Ứng phó biến đổi khí hậu là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội

Chia sẻ
(VOV5) - Sáng 14/07, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ ba Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26.

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chống biến đổi khí hậu là vấn đề có tính toàn cầu, toàn dân, do đó, phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân. Việt Nam là nước đang phát triển, trải qua nhiều năm chiến tranh, còn rất nhiều khó khăn nhưng đã đưa ra các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu như các nước phát triển.

Ứng phó biến đổi khí hậu là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội  - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 3 Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng chỉ rõ thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển. Ứng phó biến đổi khí hậu là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội, cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mọi người dân. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện cùng với sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần triển khai các giải pháp cấp bách giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu; ưu tiên cao nhất bảo đảm an toàn, sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng; tập trung phát triển hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, miền.

Trong huy động nguồn lực, tôi đề nghị các bộ, các ngành, tập trung vào: Một là hoàn thiện thể chế phù hợp để chuyển đổi, phát triển xanh. Thứ hai, tập trung huy động nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực Nhà nước, nguồn lực toàn xã hội, nguồn lực hợp tác công tư về tài chính. Thứ ba, về nguồn lực con người, cần cơ cấu lại, sắp xếp lại, nâng cao chất lượng. Thứ tư, đổi mới khoa học công nghệ. Thứ năm, đổi mới cách quản trị về năng lượng, đặt bài toán tổng thể của quốc gia của dân tộc lên trên hết.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng đề nghị tăng cường hợp tác công tư; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có cân đói về năng lượng, bảo đảm cho sản xuất, kinh doanh.  

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu