Dưới nếp nhà giản dị nơi ngoại thành Hà Nội, có một người phụ nữ đã gieo mầm tình yêu và hy vọng vào trái tim của hơn 500 trẻ em khuyết tật. Đó là bà Đoàn Thị Hoa, người sáng lập và dẫn dắt Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa. Người phụ nữ với một trái tim yêu thương cao cả, đã dành tới 17 năm cuộc đời mình đã cưu mang, giúp đỡ, mang tới cái nghề cho hàng trăm trẻ em khuyết tật. Sinh năm 1962, chị Đoàn Thị Hoa không chỉ là một người phụ nữ bình thường, mà còn là biểu tượng của lòng nhân ái và sự hy sinh vô điều kiện.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Trong căn phòng làm việc rộng, thoáng treo đầy những bằng khen, ảnh lưu niệm, các học viên ngồi chăm chú làm những bức tranh, con giống bằng giấy. Một không khí học tập đầy hăng say và hứng khởi. Những bàn tay đôi mắt chăm chú, bàn tay cẩn thận, tỉ mẩn cuộn, dán giấy, lắp ghép những con giống, những bức tranh vô cùng khéo léo. Có lẽ nếu không để ý kĩ, thật khó để nhận ra những khuyết tật trên cơ thể các em. Chị Lê Trang, 29 tuổi, bị thiểu năng trí tuệ từ khi lọt lòng, giao tiếp là trở ngại lớn nhất của chị. Nhưng bù lại đôi tay lại thoăn thoắt và nhanh nhẹn vô cùng trước những cuộn giấy đầy màu sắc. "Việc học tập rất là vui với mọi người. Ở đây giống như ngôi nhà của chúng tôi, có mẹ Hoa và các bạn giúp đỡ tôi. Tôi rất yêu mẹ Hoa.”
Có lẽ vì ngại người lạ nên chị rụt rè và trả lời đứt đoạn nhưng nhắc tới 2 tiếng “U Hoa” thì đôi mắt lại sáng bừng và khẳng định một câu chắc nịch “người tuyệt vời”. Kể về cơ duyên gắn bó với người khuyết tật, bà Đoàn Thị Hoa cho biết: Năm 2005, trong chuyến đi từ thiện với Hội chữ thập đỏ thành phố Hà Nội trao quà cho trẻ em khuyết tật và được nghe các em chia sẻ về mơ ước có một cái nghề. Ước mơ của đứa trẻ khiến bà suy nghĩ mãi không thôi. “Ra đến ngoài Bắc, tôi cứ đau đáu trong lòng. Tại sao người khuyết tật người ta ước mơ một cái đơn giản như thế mà để cho các em rất buồn.”
U Hoa và các con của mình. |
Ấp ủ mơ ước mở lớp dạy nghề cho người khuyết tật, năm 2007, Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa được thành lập. Thời gian đầu, bà Hoa khởi động lớp dạy nghề cho người khuyết tật bằng nghề may với 10 chiếc máy khâu. Tới nay lớp học đã truyền dạy hơn 20 nghề cho các em khuyết tật. Cứ có ai mách nghề gì, bà lại mang về dạy các em, nhưng có những nghề các em không làm được bởi sức khỏe yếu. Cuối cùng nghề thủ công giấy là phù hợp với sức khỏe các em, có thể ngồi học, tiếp thu được dù rằng có hơi chậm.
Những người được bà Hoa nhận dạy nghề, không khuyết tật vận động, khó đi lại thì cũng là thiểu năng trí tuệ, trí nhớ kém nên với bà Hoa, điều khó khăn nhất là sự kiên trì chỉ bảo cho các em: “Dạy cho người lành đã khó, dạy cho các em khuyết tật khó gấp trăm lần chứ không phải mười lần đâu. Mình phải kiên trì mới dạy được các em. Những ai có tâm huyết mới ở được với người khuyết tật. Còn không có tâm huyết không thể ở được. Tôi khẳng định là như thế.” Hướng dẫn để các em thành thạo nghề đã rất khó khăn thì việc tìm kiếm cho các em một công việc ổn định khi ra trường lại càng gian nan hơn.
“Đó là cả một rào cản với người khuyết tật. Nhiều em vào các cơ sở người ta nhận không làm được lại quay về. Cũng mong muốn Nhà nước mình ra những chính sách và đi đến tận nơi các cơ sở nuôi dạy người khuyết tật để giúp đỡ được nhiều người khuyết tật hơn.”
Từ những ngày đầu thành lập, phải bán đất bán nhà, bỏ hết vốn liếng để xây dựng trung tâm. Hành động đầy tình người ấy đã chạm tới trái tim của bao người, nhất là với những phụ huynh gửi con em mình vào đây. “Tôi ấn tượng nhất là khi bà Hoa đã bán hết cả đàn lợn bên nhà chồng để lấy tiền đó chăm sóc cho các con và bắt đầu có ý tưởng mở trung tâm bằng cả cái tâm.”
Tự động viên mình, tự động viên những người hỗ trợ xung quanh là cách bà vực dậy tinh thần để các em có một chỗ dựa thật vững chắc. Hơn cả việc trao cho các em cái nghề, bà Hoa đã mang tới một môi trường học tập, sinh hoạt giúp người khuyết tật bớt những mặc cảm, tự ti để các em tự tin, dày dạn hơn với cuộc sống, với con người. Rồi từ người cô giáo, người mẹ hiền ấy trở thành bà nguyệt, se duyên cho 23 cặp đôi nên vợ, nên chồng tại trung tâm. “Đến đây các bạn có bạn, có bè, có công việc, được vui chơi, các đoàn thể tới thăm nom… nên các bạn không muốn đi đâu. Các bạn tìm hiểu nhau, yêu nhau nên mới cưới được 23 đôi tại trung tâm rồi. Có bạn thì 2 con trai, có bạn thì 2 con gái, có bạn thì 1 trai 1 gái, đẹp lắm, thông minh mà học giỏi lắm.”
May mắn thay, những đứa trẻ được sinh ra và nuôi dưỡng bởi những người bố mẹ “đặc biệt” ấy đều lành lặn, khoẻ mạnh vô cùng. Có lẽ đó là món quà để an ủi, bù đắp phần nào những bất hạnh mà họ gặp phải ở đời sống này.
Sự thay đổi của con em cũng là nguồn động viên tinh thần rất lớn với những phụ huynh gửi con vào trung tâm, như phép màu cuộc sống sau nhiều năm chạy chữa, chăm sóc. Ông Lê Thắng có con gái mắc bệnh thiểu năng trí tuệ, tính đến nay đã gửi con vào trung tâm hơn 12 năm cho biết: “Trung tâm đã kèm cặp các cháu, tôi thấy có sự trưởng thành rõ rệt. Một là sinh hoạt có nề nếp. Hai là được duy trì đời sống rất ổn, tận tình kèm cặp các cháu. Cháu đi trước kèm cặp cháu đi sau, làm ra các sản phẩm mà tôi thấy rất tự hào.
Vất vả, nhọc nhằn là vậy nhưng nụ cười vẫn luôn thường trực trên khuôn mặt của người phụ nữ giàu lòng nhân ái này. Nhìn lại chặng đường 17 năm xây dựng và phát triển, hơn 500 học viên đã tốt nghiệp, 23 đôi nên duyên vợ chồng và sẽ còn nhiều hơn nữa những đứa trẻ khuyết tật được cưu mang, nuôi dưỡng dưới mái ấm này, trong sự chỉ bảo tận tình và lòng yêu thương, chở che của bà Hoa. Một tiếng “U Hoa”, hai tiếng “U Hoa” tuy giản dị, mộc mạc mà chứa đựng tất cả sự trìu mến, tình yêu và lòng biết ơn của những người con dành cho người mẹ “đặc biệt” này. Và cũng như bao người mẹ khác, hạnh phúc của bà cũng chỉ đơn giản là thấy các em khoẻ mạnh, vui vẻ và thật hạnh phúc.