Tuổi trẻ sáng tạo và những khát vọng làm chủ khoa học

Huyền Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Năm 2017 khép lại với nhiều thành công của tuổi trẻ trên tất cả các mặt công tác, đặc biệt với những công trình, sản phẩm sáng tạo mang tính ứng dụng cao. 

Năm 2017 được đánh giá là năm gặt hái thành công của tuổi trẻ khi nhiều công trình, nhiều sản phẩm sáng tạo đã vượt ra ngoài khuôn khổ của những ý tưởng, những đề tài khoa học trên giấy.

Tuổi trẻ sáng tạo và những khát vọng làm chủ khoa học - ảnh 1 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn phong trào tuổi trẻ sáng tạo cần phải thực sự trở thành sân chơi khơi nguồn sáng tạo của tuổi trẻ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Điều đáng ghi nhận là tác giả của nhiều công trình là những bạn tuổi đời còn rất trẻ, là những học sinh, sinh viên còn đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông và đại học. Một trong những sản phẩm như vậy là “Máy cho tôm cá ăn điều khiển từ xa” của Hà Công Minh, học sinh lớp 12, trường THPT Đông Thụy Anh, tỉnh Thái Bình, đã đạt giải thuộc lĩnh vực Kỹ thuật cơ khí. Chiếc máy sau khi hoàn thiện được chạy thử ở một số ao, đầm tại xã Thái Thượng và Trại giống xã Thái Tâm, huyện Thái Thụy, cho kết quả tốt, chạy linh hoạt, thay thế được sức lao động của con người. Hà Công Minh giới thiệu về chiếc máy này: “Địa phương em là huyện Thái Thụy chủ yếu nuôi trồng thủy hải sản, người nông dân cho tôm cá ăn rất vất vả, phải chèo thuyền quanh các đầm cho ăn bằng công tác thủ công. Sau những lần em quan sát, em nảy sinh ý tưởng về chiếc máy giúp người nông dân. Máy chia làm 2 phần, di chuyển và cho cá ăn. Ưu điểm của máy là linh hoạt khắp bờ, khắp ao đầm thay cho công sức lao động thủ công của người dân hiện tại, khác với máy trên thị trường bây giờ là máy cố định tại 1 địa điểm là cho cá ăn không đồng đều. Máy của em đi khắp bờ thì cá ăn tăng trưởng đồng đều hơn”.

Tuổi trẻ sáng tạo và những khát vọng làm chủ khoa học - ảnh 2Hà Công Minh cùng thầy giáo hướng dẫn kiểm tra máy trước khi ứng dụng - Ảnh: báothaibinh

Một công trình khác cũng được đánh giá cao đó là “Robot do thám ứng dụng trong tìm kiếm cứu hộ” của nhóm sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải- Phân hiệu thành phố Hồ Chí Minh. Nhóm 5 sinh viên của trường đã cùng nhau nghiên cứu, chế tạo ra một con rô bốt giúp tìm kiếm, giải quyết các vấn đề gặp phải tại những nơi nguy hiểm như khu vực rò rỉ phóng xạ, khu hầm mỏ bị sập, nơi rò khí gas. Robot có thể vào hiện trường giải quyết sự cố hoặc ghi lại những hình ảnh và truyền về trung tâm điều khiển để người giám sát, người chỉ huy ra quyết định cho rô bốt xử lý tại chỗ, hoặc có những phương án thích hợp để tìm kiếm cứu hộ. Lâm Quang Thái, thành viên trong nhóm, cho biết thêm về điểm sáng tạo của sản phẩm này: “Điểm mới là sản phẩm sử dụng kích hệ thống nhúng có thể tích hợp nhiều tính năng mới, đồng thời có thể do sản phẩm ở dạng modun nên có thể thay thế trên các khung gầm khác nhau, thuận tiện cho việc di chuyển vào các khu vực gồ ghề, đầm lầy chẳng hạn, thì ro bốt tiến vào thực hiện tìm kiếm cứu hộ. Cơ chế hoạt động của rô- bốt này thực hiện điều khiển của sóng wifi, ở trung tâm điều khiển là trang web thì thông qua đó người đăng ký có thể giám sát được hiện trường thông qua màn hình giám sát. Sau đó thực hiện điều khiển robot thông qua các giao diện trên màn hình thì có thể điều khiển ro bot tiến vào hiện trường, đồng thời lấy hình ảnh của ro bốt truyền về trung tâm để thực hiện điều khiển”.

Trong khối thanh niên quân đội, đại úy Cao Nhất Ngữ thuộc Sư đoàn bộ binh 330, Quân khu 9 có công trình “Máy điều khiển gây nổ từ xa”. Sản phẩm được anh nghiên cứu cuối năm 2015 và đầu năm 2016 đã được ứng dụng phục vụ công tác huấn luyện, diễn tập tại đơn vị cũng như trong nhiều đơn vị khác của toàn quân. Đại úy Cao Nhất Ngữ cho biết chiếc máy này đã được lãnh đạo các đơn vị đánh giá cao về hiệu quả gây nổ, ưu điểm của nó là có thể áp dụng được ở các loại hình chiến thuật khác nhau trong khi giá thành lại thấp: “Hiện nay, khi thực hiện các cuộc diễn tập bắn đạn thật hoặc đạn hơi thường có bố trí các bãi nổ để tượng trưng cho hỏa lực trên thao trường. Với phương pháp truyền thống thì thường phải bố trí cán bộ công binh tại vị trí để điều khiển kích nổ trên thao trường nên gây mất an toàn nên tôi nghĩ cần có biện pháp để khắc phục điều đó. Thay vì chúng ta bố trí các bãi nổ và người điều khiển tại vị trí tại bãi nổ đó thì chúng ta chỉ cần đặt máy và các cán bộ chiến sĩ công binh sẽ không ở trên thao trường mà sử dụng máy điều khiển từ xa, có thể ở vị trí cách 2 km để tạo an toàn, góp thành công cho cuộc diễn tập”.

Hầu hết những công trình, những sản phẩm sáng tạo của các thanh niên đều bắt nguồn từ chính đòi hỏi của thực tế công việc và những khó khăn trong cuộc sống. Là những người trẻ tuổi tràn đầy năng lượng và khát vọng cống hiến, thanh niên VN đã luôn giữ tâm thế với vai trò tiên phong nhận những việc khó và sẵn sàng dấn thân, không sợ thất bại. Đây là những thách thức nhưng cũng là cơ hội để các bạn trẻ thể hiện mình để đóng góp công sức cho cộng đồng, xã hội.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu