Sáng nay (22/4), tại Hà Nội, Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ và Khởi nghiệp, Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Nữ khoa học giới thiệu các sáng chế, giải pháp hữu ích đã thương mại hóa thành công”.
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, nghiên cứu khoa học là thế mạnh của các nữ trí thức trong những năm qua, nhiều công trình nghiên cứu có hàm lượng khoa học cao, tính ứng dụng lớn.
Thông qua các hoạt động của Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp, Hội nữ trí thức Việt Nam đã hỗ trợ cho các hội viên từng bước giới thiệu, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học của mình thông qua sàn giao dịch trực tiếp và trực tuyến.
Nữ trí thức quảng bá, giới thiệu tài sản trí tuệ tại Triển lãm Tài sản trí tuệ và kết quả đổi mới sáng tạo của nữ trí thức Việt Nam, ngày 21/4/2023. Ảnh Phunu.vn |
Hơn 200 sản phẩm khoa học, công nghệ đã được số hóa trên sàn giao dịch trực tuyến. Hội cũng hỗ trợ tư vấn, kết nối đầu tư cho 10 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: "Nghiên cứu khoa học, đặc biệt đối với nữ thì có nhiều thách thức, khó khăn, như: nguồn lực nghiên cứu khoa học, triển khai nghiên cứu phụ thuộc rất nhiều về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc. Rất phấn khởi khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam. Không riêng gì nam giới, các nữ khoa học quyết tâm nỗ lực triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học hiệu quả, góp phần xây dựng và phát triển đất nước."
Số liệu thống kê của Cục Thông tin Khoa học công nghệ Quốc gia năm 2019 cho thấy số lượng nữ tham gia nghiên cứu chiếm 46% trong tổng nhân lực nghiên cứu và phát triển. Cộng đồng nữ trí thức Việt Nam rất đa dạng, bao gồm các nữ khoa học, doanh nhân trong mọi lĩnh vực trên cả nước. Các nữ trí thức đã cống hiến nhiều công trình khoa học có giá trị về lý luận và ứng dụng thực tiễn trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.