Thúc đẩy sáng tạo trong cộng đồng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho khoa học

Chia sẻ
(VOV5) - Đây là quan điểm của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai công tác năm 2020 của Bộ Khoa học và công nghệ,.

Phải tiếp tục đổi mới tư duy trong quản lý khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) theo đúng xu thế quốc tế - lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh.

Đây là quan điểm của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai công tác năm 2020 của Bộ Khoa học và công nghệ, được tổ chức sáng 03/01, tại Hà Nội.

Thúc đẩy sáng tạo trong cộng đồng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho khoa học - ảnh 1 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những đóng góp của ngành khoa học và công nghệ trong thời gian qua. Theo Phó Thủ tướng, chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2019 của Việt Nam tiếp tục tăng 3 bậc so với năm 2018, đứng ở vị trí 42/129 quốc gia/nền kinh tế và đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia. 

Tuy nhiên, để Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao trong 20 năm tới, Phó Thủ tướng cho rằng tất cả các ngành phải cùng vào cuộc, song hành với ngành khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ có công cụ để thúc đẩy sáng tạo trong toàn cộng đồng, cũng như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho khoa học - công nghệ, tôn vinh những sáng tạo, sáng kiến trong cộng đồng để các nhà sáng chế, những người làm khoa học đóng góp nhiều hơn nữa cho ngành khoa học và công nghệ trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh và Huân chương Lao động hạng Ba cho Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu