Tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn trong chương trình Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hôm nay (21/8), trả lời câu hỏi của đại biểu về xây dựng hệ thống thống kê du lịch ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nguyễn Văn Hùng, nhấn mạnh từ năm 2009, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu, hình thành phương pháp luận, về xây dựng hệ thống thống kê du lịch ở Việt Nam. Trong đó, có 6 nhóm lĩnh vực thống kê, gồm: về lượng khách quốc tế, về lượng khách nội địa, về chi tiêu của khách quốc tế, về chi tiêu của khách nội địa, về doanh thu dịch vụ ăn uống và doanh thu của lữ hành. Từ đó, giúp đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững trong thời gian tới: Thời gian tới, Bộ tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững. Tiếp tục phối hợp với Bộ Công an sử dụng dữ liệu trong Đề án về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, từ đó có cơ sở dữ liệu về du lịch để quản lý du lịch, số lượng khách du lịch… từ đó hoạch định chính xác hơn. Đồng thời, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê thêm về nhu cầu của du khách như: hàng hóa nông sản, mua sắm để tính toán thêm lượng chỉ tiêu về khách du lịch này.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VOV |
Trả lời các câu hỏi của đại biểu về việc bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh Chính phủ đã có các quy định khuyến khích, các chế độ ưu đãi khi học các bộ môn nghệ thuật truyền thống: Về giải pháp lâu dài, cần phải có nhiều giải pháp để người dân yêu văn hóa Việt Nam, coi nghệ thuật truyền thống văn hóa Việt Nam, coi truyền thống là hồn cốt cần phải giữ, trao truyền. Liên quan đến mối quan hệ giữa du lịch với văn hóa, du lịch phát triển để hỗ trợ cho văn hóa, văn hóa phát triển sẽ làm du lịch thăng hoa. Trong chiến lược phát triển du lịch và chiến lược phát triển văn hóa đều lưu ý sản phẩm du lịch phải mang đậm dấu ấn văn hóa. Thời gian qua, du khách quốc tế đến Việt Nam cũng dựa trên những nét văn hóa đặc sắc.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về công nghiệp văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết đã đánh giá, nhận diện 12 loại hình công nghiệp văn hóa, gồm: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm, trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, dịch vụ du lịch văn hóa. Từ đó, triển khai các chiến lược, đề án riêng cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa… chính vì vậy, tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa những năm qua rất tích cực, tác động lan tỏa, phát huy được sức mạnh mềm, kiến tạo sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam.