Lũ quét và lở đất sáng sớm 10/09 đã vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, khiến 33 hộ dân bị vùi lấp hoàn toàn, 57 người thiệt mạng và 10 người khác vẫn mất tích.
Chỉ trong chớp mắt, nhiều trẻ em ở ngôi làng này đã trở thành trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Các em đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền cũng như các đơn vị, cá nhân mạnh thường quân, trong đó, có nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng kiêm Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), người được nhiều thế hệ học sinh trìu mến gọi là “Ông nội”.
Người thầy 75 tuổi đã quyết định Trường Marie Curie sẽ nhận nuôi những trẻ em từ 15 tuổi trở xuống ở thôn Làng Nủ đến khi các em 18 tuổi.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng kiêm Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội). Nguồn ảnh: VOV2 |
Làng Nủ từng là một ngôi làng nhỏ ẩn mình giữa núi non trùng điệp ở phía Bắc Việt Nam. Ngôi làng yên bình, được bao quanh bởi những thửa ruộng bậc thang tươi tốt, đã bị xóa sổ bởi sự tàn khốc của thiên nhiên. Bây giờ, vùi dưới lớp bùn dày, đầy đất đá là toàn bộ cuộc sống của người dân làng: đồ đạc, tài sản tích cóp nhiều năm và cả những người thân trong gia đình họ. Nguyễn Văn Hành, cậu thiếu niên 17 tuổi, nhớ lại thời khắc cơn lũ tràn về. "Lúc đó là 6 giờ sáng, em đang ngủ, thì mẹ em gọi bảo là: Con ơi, chạy thôi! 2 mẹ con em nắm tay nhau chạy lên cầu thang thì nước lũ tràn về."
Hành sống sót nhưng mẹ em không thể qua khỏi. Khi tỉnh dậy trong bệnh viện. Một ngày sau thảm họa, Hành nhận được tin thi thể mẹ em đã được tìm thấy. Cuối năm ngoái, bố Hành qua đời. Giờ đây, cơn lũ quét đã cướp đi người thân duy nhất khiến Hành trở thành trẻ mồ côi.
Tin tức về cậu thiếu niên mất gia đình trong thảm họa thiên tai đã khiến nhiều người xót xa, xúc động, trong đó có nhà giáo Nguyễn Xuân Khang. Ngoài vai trò là Chủ tịch Hội đồng kiêm Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), thầy Khang còn được mọi người biết đến với những hoạt động từ thiện, đặc biệt là hàng loạt dự án từ thiện hỗ trợ giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.
Chia sẻ về trường hợp của em Hành, thầy Khang cho biết: "Tôi xem video clip thấy trường hợp em Nguyễn Văn Hành bị thương tích vì lũ quét. Là một người thầy, khi nghe học trò phải dừng học vì hoàn cảnh, tôi không cầm lòng được. Tôi gọi cho phóng viên báo Thanh Niên, hỏi điện thoại của cô giáo lớp em Hành để nhờ cô động viên em học tiếp."
Nhờ có sự kết nối của cô Nguyễn Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bảo Yên 1, và phóng viên của Báo Thanh Niên, thầy Khang đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại với Hành. Trước cuộc gọi, Hành là một cậu bé mồ côi với tương lai bấp bênh, còn sau đó, Hành có thêm “ông nội”, người mang lại cho em một con đường mới đầy hy vọng. Cô Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Thầy Khang rất xúc động. Khi tôi nói thông tin về hoàn cảnh của Hàng, thầy Khang đồng ý ngay. Thầy nói sẽ nhận nuôi Hành, trước hết là hết năm lớp 12. Thầy không chỉ là người dẫn đường chỉ lối, là người thầy, mà còn là gia đình."
Hành trở thành học sinh đầu tiên của "Dự án nuôi trẻ em và học sinh Làng Nủ sau lũ quét" do thầy Nguyễn Xuân Khang và Trường Marie Curie thực hiện. Ngoài trường hợp của em Nguyễn Văn Hành, thầy Khang còn nhờ chính quyền và phòng giáo dục lập danh sách các em từ 15 tuổi trở xuống, còn sống sót sau vụ lũ quét để đưa vào Dự án. Theo đó, thầy Khang và Trường Marie Curie sẽ nuôi các em ăn học cho đến 18 tuổi, với việc cấp tiền 3 triệu đồng/em/tháng, chuyển khoản trực tiếp cho bố mẹ hoặc người đỡ đầu: "Điều mong muốn nhất của tôi lúc này là có 1 danh sách cụ thể những bé còn sống để chúng ta có thể chăm lo, cho các em cuộc sống ấm no, được học hành tử tế."
Điểm trường thôn Làng Nủ. Nguồn ảnh: VOV2
|
Thời điểm hiện tại, gần 1 tháng kể từ ngày trận lũ tràn về, những người dân làng còn sống sót đang ở tại những căn nhà được dựng tạm trong thời gian chờ đợi xây dựng ngôi làng mới. Địa phương và các đơn vị thi công đang nỗ lực triển khai, phấn đấu đến trước ngày 31/12, ngôi làng mới sẽ được hoàn thành để người dân có thể về sinh sống trước Tết.
Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, hy vọng: "Với tình cảm, sự thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của đồng bào tại nơi đây cũng như những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào cả nước, chắc chắn chúng ta sẽ có 1 tương lai tốt đẹp hơn. Làng Nủ mất đi do bão lũ, thiên tai, chúng ta quyết tâm xây dựng lại ngôi Làng Nủ mới đẹp hơn, đáng sống hơn, an toàn hơn và nghĩa tình hơn."
Ngôi làng mới đang dần thành hình cách Làng Nủ cũ không xa. Hy vọng những người sống sót sau trận lũ dữ sẽ sớm tìm lại được cuộc sống bình yên vốn có, những nỗi đau, mất mát sẽ sớm được chữa lành. Và, trẻ em Làng Nủ lại tiếp tục được tới trường để viết tiếp những mơ ước về cuộc đời tươi sáng.