Thành phố Hồ Chí Minh gỡ các rào cản để tăng trưởng bền vững

Chia sẻ
(VOV5) -Chuyển dần các ngành, lĩnh vực lao động sang các địa phương lân cận và xây dựng các đô thị vệ tinh xung quanh thay vì tập trung và thu hút quá nhiều người nhập cư.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh kinh tế TPHCM tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoan mới, thành phố Hồ Chí Minh đang chủ động tháo gỡ các rào cản để kinh tế phát triển bền vững.

 Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Trong giai đoạn 2015– 2017, tăng trưởng kinh tế bình quân của thành phố Hồ Chí Minh đạt 8,2%/năm và tăng trưởng của năm sau luôn cao hơn năm trước. Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong cơ cấu kinh tế thành phố, công nghiệp phát triển vẫn òn dựa trên cơ sở tăng vốn và lao động, chứ không phải do năng suất lao động, công nghệ, tri thức…Các doanh nghiệp trong nước chưa liên kết mạnh để chuyển giao công nghệ, nội địa hóa sản phẩm hay hỗ trợ nhau về nhiều mặt. 

Thành phố Hồ Chí Minh gỡ các rào cản để tăng trưởng bền vững - ảnh 1TPHCM: Gỡ các rào cản để kinh tế tăng trưởng bền vững           Ảnh minh họa/KT 

Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng: Thành phố cần phải chuyển từ mô hình nền kinh tế chú trọng yếu tố đầu vào sang chú trọng đến hiệu quả, đổi mới, sáng tạo trên cơ sở phát triển công nghệ, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, cơ chế chính sách. Thành phố cần sớm đầu tư phát triển Trung tâm điều hành đô thị thông minh và kho dữ liệu dùng chung theo cơ chế mở và đảm bảo khâu thực thi hiệu quả hơn trên cơ sở hạ tầng hiện đại:" Điều quan trọng là khâu giải quyết là thực thi ở các sở, ban ngành, các khâu thực hiện nghiệm vụ công. Điều đó có nghĩa đề xuất cho ứng dụng công nghệ thông tin ở mức độ 4 cho các dịch vụ công là điều tiên quyết."

Trên thực tế, thành phố Hồ Chí Minh không còn nhiều không gian phát triển, nên việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng để mở rộng dư địa phát triển là đặc biệt cần thiết. Trong đó, TPHCM cần xác định trở thành trung tâm tài chính, công nghệ cao, tiêu thụ của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chuyển dần các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động sang các địa phương lân cận, các vùng nông thôn và xây dựng các đô thị vệ tinh xung quanh thay vì tập trung và thu hút quá nhiều người nhập cư.

Phó Giáo sư – Tiến sỹ  Đỗ Phú Trần Tình, trường Đại học Kinh tế - Luật thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng:" Không nên tập trung quá nhiều chức năng mà chia sẻ cho các địa phương trong vùng. Cần phải có chiếc áo pháp lý tương xứng về thể chế liên kết, phát triển vùng thì nó sẽ tháo gỡ được việc nâng cao chất lượng tăng trưởng"

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học khác đề nghị thành phố thu hút các nguồn vốn và đầu tư có hiệu quả, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư theo chiều sâu, đổi mới công nghệ. Trên phương diện quản lý nhà nước, TP cần một mô hình kinh tế có cơ cấu ngành dịch chuyển theo hướng thúc đẩy tăng trưởng bền vững, phân bổ nguồn lực hợp lý. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ vốn hữu hiệu hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Thị Cành, Trung tâm Nghiên cứu Tài chính thuộc Đại học Kinh tế- Luật cho biết, hiện nay vẫn còn có nhiều yếu tố tiềm ẩn hạn chế tăng trưởng như: tăng trưởng vẫn đang dựa vào vốn và lao động, yếu tố năng suất tổng nhân tố (TFP) còn thấp và chưa bền vững. Vì thế, thành phố cần cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục, phân cấp chức năng tránh chồng chéo giữa các cấp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp muốn tồn tại đều không thể đứng ngoài cuộc cuộc cách mạng 4.0. Doanh nghiệp mong thành phố tháo gỡ không chỉ về vốn, thủ tục hành chính, nguồn nhân lực…mà còn là vấn đề định hướng vùng phát triển. Thông điệp của thành phố Hồ Chí Minh là luôn lắng nghe và cam kết nỗ lực thực hiện mọi giải pháp để chuyển các đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp thành hiện thực.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất và làm hết sức để các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của thành phố. Mong các chuyên gia, nhà khoa học đồng hành, cùng chia sẻ các kết quả nghiên cứu, góp ý kiến để các cơ chế chính sách ban hành gắn liền với thực tiễn, có cơ sở lí luận)

Rõ ràng, để giữ vững sự tăng trưởng kinh tế, hướng đến bền vững, thành phố Hồ Chí Minh cần phải chủ động nhìn ra những rào cản để từng bước gỡ bỏ. Phát triển nền kinh tế theo hướng bền vững, dựa vào nội lực, trọng tâm là phát triển kinh tế tri thức, tăng trưởng xanh, áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động là hướng đi đúng và thể hiện vị thế đầu tàu của thành phố Hồ Chí Minh.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu