Tết Nguyên đán - "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Năm nay, người dân Việt Nam đón Tết Nguyên đán trong một tâm thế đặc biệt khi lần đầu tiên, Liên hợp quốc công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ hằng năm của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này. 

Đây là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với văn hoá cổ truyền Á Đông, đồng thời cho thấy giá trị của Tết Nguyên đán đã vượt ra ngoài lãnh thổ các quốc gia châu Á, đến với toàn cầu.

Ngày 22/12/2023, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ hằng năm của cơ quan này. Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam đã phỏng vấn bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, để hiểu rõ hơn về quyết định của Liên hợp quốc:

PV: Trước hết xin bà cho biết Nghị quyết mới của LHQ sẽ mang đến những thay đổi gì?

Tết Nguyên đán - "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam - ảnh 1Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam. Ảnh: UN Việt Nam

Bà Pauline Tamesis: Nghị quyết này khuyến khích các cơ quan LHQ, đặc biệt là tại Trụ sở chính và tại các địa bàn nơi có Tết Nguyên đán, hạn chế việc lên lịch các cuộc họp và lưu ý sắp xếp khi chuẩn bị các cuộc họp, hội thảo sẽ diễn ra trong dịp Tết. Thông qua việc coi Tết Nguyên đán như một ngày nghỉ lễ, chúng tôi tôn vinh sự đa dạng văn hóa trong đội ngũ nhân viên LHQ. Việc kỷ niệm sự khác biệt của chúng ta, thông qua tôn trọng và tiếp nhận sự giàu có của các nền văn hóa và các truyền thống được đại diện tại LHQ, sẽ thúc đẩy hiểu biết và hợp tác giữa các quốc gia.

PV: Và Nghị quyết có phải là khởi đầu cho nhiều sáng kiến hơn trong tương lai nhằm thúc đẩy hơn nữa việc tôn trọng sự đa dạng văn minh trên thế giới?

Bà Pauline Tamesis: Quyết định công nhận Tết Nguyên đán là một ngày nghỉ lễ của LHQ là một bước đi quan trọng hướng tới công nhận và kỷ niệm các nền văn hóa đông đảo tạo nên cộng đồng toàn cầu. Tiếp nhận đa dạng văn hóa không chỉ là việc công nhận một số ngày đặc biệt  mà còn đòi hỏi chúng ta phải đưa được sự đa dạng này vào trong các hành động và chính sách thường nhật của LHQ.

PV: Trong số các yếu tố tạo nên quyết định của Liên hợp quốc, có Tết Nguyên đán Việt Nam. Bà cảm nhận như thế nào về Tết Nguyên đán của Việt Nam?

Bà Pauline Tamesis: Đây là lần thứ 2 tôi có cơ hội tận hưởng niềm vui và sự sùng kính Tết Nguyên đán của người dân Việt Nam. Tôi hiểu rằng Tết không chỉ là dịp nghỉ lễ hết sức đặc biệt mà là khoảng thời gian thiêng liêng đã in dấu sâu đậm trong truyền thống dân tộc của tất cả người dân Việt Nam. Tết là cơ hội để gia đình sum họp, để nhìn lại năm cũ và đặt ra các ước vọng cho Năm mới. Những gì Tết đại diện, về nhiều khía cạnh, cũng giống như những giá trị mà chúng tôi trân trọng trong văn hoá của chúng tôi. Đó là tầm quan trọng của gia đình, sự tôn kính cha mẹ, sự tôn trọng và biết ơn ông bà, tổ tiên, là phước lành mà các gia đình nhiều thế hệ mang lại cho những người trẻ và cả những người già. Có một ý thức sâu đậm về sự kết nối với cội nguồn của mỗi con người, một phẩm chất mà tôi thấy vô cùng nổi bật ở người dân Việt Nam. Chúc mừng Năm mới!

PV : Xin cảm ơn Bà!

-----

Ngày hôm nay, cụm từ “Chúc mừng Năm mới” được Trưởng đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Pauline Tamesis, cũng như nhiều người nước ngoài khác tại Việt Nam sử dụng nhiều lần, như 1 cách khẳng định họ đang tận hưởng Tết Việt như một người bản xứ. Max McFarlin, người Mỹ, một blogger có tiếng trong cộng đồng du lịch phượt thế giới, đã làm 1 clip giới thiệu về Tết Nguyên đán của người Việt.

Với Max, ngoài bánh chưng, ngày Tết phải có cây quất và có nồi thịt kho trứng. Và bàn bày đồ Tết, qua lời giới thiệu của Max, gồm có: "Ở chính giữa có mâm bánh kẹo: kẹo me, kẹo đậu phộng, ngoài ra còn có mứt dừa, nho khô, hạt dẻ, hạt điều. Còn đây là mâm ngũ quả. Mình không phải chuyên gia nên mình chỉ chuẩn bị đơn giản theo những gì mình biết để cúng tổ tiên và cầu may mắn cho năm mới". 

Tết Nguyên đán - "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam - ảnh 2

Max McFarlin, người Mỹ, một blogger có tiếng trong cộng đồng du lịch phượt thế giới. Ảnh: hanoimoi.vn

Bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, Tết Nguyên đán là chủ đề của phóng sự "Người Việt đón Tết ở Woluwe Saint-Pierre" do kênh truyền hình tiếng Pháp của vùng thủ đô Brussels phát sóng đầu năm 2023. Theo tác giả Phóng sự, "Chúc mừng năm mới" là câu cửa miệng của người Việt khi gặp nhau trong dịp này. Ngay cả một số người Bỉ cũng học để được nói "Chúc mừng năm mới". Trong phóng sự, những nét văn hóa đặc trưng của Tết Việt được giới thiệu chi tiết: "Một trong những biểu tượng nổi bật khác của năm mới là quả bưởi. Tất cả các gia đình đều có những quả bưởi cho Năm mới.  Và để không khí Tết thực sự trọn vẹn,  những vị trí trang trọng được trang trí cầu kỳ với những câu đối mang từ Việt Nam sang".

Tại Nhật Bản, Đài NHK cũng dành thời lượng để nói về Tết Nguyên đán của Việt Nam. Trong lễ đón Tết Nguyên đán tại thị trấn Nakashibetsu, các thực tập sinh kỹ thuật người Việt và người dân địa phương đã cùng nấu các món ăn truyền thống của Việt Nam.

Cuối tháng 12 năm 2023, Đài phát thanh và truyền hình Nhật Bản NHK một lần nữa lấy văn hóa Tết làm chủ đề chính để sản xuất chương trình "Tiếng Việt trong cuộc sống và công việc". 4 số của chương trình xoay quanh nội dung tiếng Việt, Tết Việt và văn hóa Việt Nam. Qua chương trình, họ muốn thính giả Nhật Bản biết đến nhiều hơn về Tết Việt Nam.

Những giá trị đặc sắc của Tết Nguyên đán được minh chứng qua quyết định của Liên hợp quốc, qua những clip trải nghiệm của khách quốc tế và qua cảc kênh truyền thông nước ngoài. Từ đó, lan tỏa hình ảnh một Việt Nam giàu bản sắc, giàu truyền thống, đoàn kết và yên bình. Đó cũng chính là sức mạnh mềm cho Việt Nam trong quá trình phát triển. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Uỷ ban văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV, nói rõ hơn về điều này.

PV. Thưa ông, có thể nói những giá trị của Tết Nguyên đán đã góp phần định vị nét đẹp văn hóa Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới, không thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tết Nguyên đán là sức mạnh văn hóa của dân tộc. Bởi ẩn sau đó là cả thế giới quan, nhân sinh quan, vũ trụ quan, chứa đựng rất nhiều những giá trị tôn vinh truyền thống, gắn kết cộng đồng…Việc quốc tế đánh giá cao những giá trị của Tết Nguyên đán là điều mà chúng ta rất tự hào bởi chúng ta đã định vị được những nét đẹp văn hóa của Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới. Trong quá trình hội nhập toàn cầu, chúng ta không bị hòa tan vào trong dòng chảy của văn hóa thế giới. Chúng ta vẫn có được hành trang bản sắc dân tộc để tự tin hội nhập và sự tự tin hội nhập sẽ tạo ra những lợi thế riêng để phát triển.

PV: Theo ông, lợi thế riêng ở đây là gì?

Tết Nguyên đán - "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam - ảnh 3

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Uỷ ban văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Từ những giá trị cốt lõi của dân tộc, chúng ta không chỉ hiểu hơn mình là ai, dân tộc mình như thế nào mà chúng ta còn hiểu rõ hơn và tự hào hơn về những giá trị đặc sắc đó. Trong quá trình hội nhập toàn cầu, hiểu rõ những giá trị văn hóa của mình sẽ giúp cho chúng ta tạo ra những sản phẩm văn hóa nghệ thuật, những sản phẩm kinh tế mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Từ đó, tạo ra những lợi thế riêng về kinh tế - xã hội bằng cách lồng ghép trong những sản phẩm hàng hóa hay là các sinh hoạt xã hội khác.

PV: Việt Nam cần làm gì để phát huy được giá trị vốn có của văn hóa, trong đó có những giá trị văn hóa của Tết Nguyên đán, thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Năm 2005, UNESCO ban hành Công ước về bảo vệ và phát huy các điều luật đa dạng văn hóa, trong đó khuyến khích các quốc gia bảo vệ những giá trị văn hóa của mình để bảo vệ chủ quyền quốc gia về văn hóa. Như vậy, bên cạnh chủ quyền quốc gia về lãnh thổ, về lãnh hải, thì chủ quyền quốc gia về văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng trong việc bảo đảm sự độc lập, toàn vẹn cả về lãnh thổ, cả về tinh thần của một dân tộc, của một quốc gia. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải tạo ra sự quan tâm nhiều hơn đến bản sắc văn hóa dân tộc. Theo tôi, phải tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của Tết Nguyên đán trong dòng chảy của văn hóa cũng như đối với việc định vị giá trị văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Thứ hai là cần phải có những chính sách tôn vinh giá trị của ngày Tết, những chính sách hướng đến giá trị văn hóa dân tộc, như là chia sẻ, đoàn viên… Thứ ba là có thêm những sản phẩm văn hóa nghệ thuật đặc sắc cho những ngày Tết, từ đó lan tỏa những điều tích cực.

PV: Xin cảm ơn PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Uỷ ban văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV. 

Tết Nguyên đán hội tụ những nét đặc sắc của văn hóa truyền thống Việt Nam. Tết đã góp phần định vị văn hóa Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới. Tết cũng đã trở thành sức mạnh mềm, là hành trang để người Việt Nam tự tin hội nhập, phát triển cùng cộng đồng quốc tế hôm nay và mai sau.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu