Tạo cơ chế thuận lợi phát triển nhà ở cho công nhân

Lê Phương (Tổng hợp)
Chia sẻ
(VOV5) - Từ năm 2014, Bộ Xây dựng đã đưa mô hình nhà lưu trú, nhà ở cho công nhân vào diện nhà ở xã hội để được hưởng hỗ trợ.

Trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước như hiện nay, nhu cầu về nhà ở xã hội cho nhóm đối tượng công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp – khu chế xuất ngày càng tăng cao. Trước thực tế này, nhiều địa phương đang tích cực triển khai các công trình nhà ở công nhân nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động; đồng thời Nhà nước, Chính phủ cũng ban hành nhiều cơ chế thuận lợi hơn nữa để ngày càng nhiều công nhân lao động có nhà ở.

Tạo cơ chế thuận lợi phát triển nhà ở cho công nhân - ảnh 1

Ảnh minh họa - Nguồn: dautubds.baodautu.vn

Sự hình thành và phát triển liên tục của các khu chế xuất – khu công nghiệp tại nhiều tỉnh thành kéo theo một lực lượng lao động lớn, đặc biệt là lao động trẻ từ các địa phương lân cận. Vì vậy, việc xây dựng một mô hình nhà ở xã hội cho công nhân nhằm nâng cao mức sống, đảm bảo các điều kiện tiện ích công cộng, sinh hoạt văn hóa, giải trí cơ bản là cần thiết và là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương.

Là một trong những địa phương có nhu cầu cao về nhà ở cho công nhân, thành phố Đà Nẵng đã và đang triển khai một số cơ chế thuận lợi, bố trí quỹ đất quy hoạch nhà ở tập trung và các thiết chế văn hóa cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Ông Trần Vũ Duy Mẫn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng, cho biết: "Trong thời gian tới, Liên đoàn Lao động thành phố tiếp tục các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động. Chúng tôi cũng đang rất quan tâm triển khai để chăm lo đời sống cho công nhân viên chức lao động nghèo, đó là triển khai xây dựng các thiết chế văn hóa dành cho công nhân viên chức lao động. Trong đó, đặc biệt tập trung đẩy nhanh tiến độ công trình nhà ở cho công nhân lao động tại khu công nghiệp Hòa Cầm.

Hôm 24/05, nhân tháng Công nhân 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi trò chuyện với cán bộ, công nhân viên ngành than tại Công ty Cổ phần than Hà Lầm, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. Tại đây, vấn đề nhà ở cho công nhân được Thủ tướng đặc biệt quan tâm. 

Thủ tướng nhấn mạnh: "Đặc biệt là chăm lo tốt hơn, tập trung cao hơn nữa, thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm tốt hơn, cơ chế thuận lợi hơn nữa để tiếp tục xây dựng nhà ở cho công nhân. Vì mới trên 20% công nhân mỏ có nhà ở. Tôi mong các đồng chí tập trung biện pháp này để giúp công nhân mỏ có mái ấm cần thiết, an cư lạc nghiệp. Nhà nước lo cơ chế, nhất là đất đai và các cơ chế khác tạo thuận lợi cho công nhân có nhà ở".

Trong nhiều năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặc biệt là nhà ở cho người lao động. Đến nay, đã có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi để hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội cải thiện được nhà ở. Từ năm 2014, Bộ Xây dựng đã đưa mô hình nhà lưu trú, nhà ở cho công nhân vào diện nhà ở xã hội để được hưởng hỗ trợ về vốn ngân sách, quy hoạch, xây dựng, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân. Đây là điều kiện tiên quyết nhằm tháo gỡ những bế tắc và khó khăn trong việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đối tượng công nhân lao động.

Nơi ăn chốn ở có vai trò quan trọng bậc nhất trong cuộc sống của mỗi con người, mỗi gia đình. Giải được bài toán về bài toán về nhà ở, còn thể hiện sự quan tâm chăm lo của cả hệ thống chính trị tới công nhân, người lao động, góp phần cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu