Tăng cường quản lý chống sa mạc hóa và suy thoái đất ở Việt Nam

Nghiêm Xuân Long
Chia sẻ
(VOV5) - Phát triển lâm nghiệp bền vững và tái cơ cấu ngành lâm nghiệp chính là giải pháp căn bản để chống sa mạc hóa và suy thoái đất ở Việt Nam. 

Ngày 17/6 hàng năm được Ban thư ký Công ước chống sa mạc hóa Liên hợp quốc chọn là Ngày quốc tế chống sa mạc hóa. 

Chủ đề của ngày quốc tế chống sa mạc hóa năm nay là “Cùng nhau phát triển tương lai”. Để bảo đảm phát triển bền vững, Việt Nam  tăng cường quản lý chống sa mạc hóa và suy thoái đất.

Tăng cường quản lý chống sa mạc hóa và suy thoái đất ở Việt Nam - ảnh 1

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trồng cây hưởng ứng ngày Quốc tế chống sa mạc hoá - Ảnh: tongcuclamnghiep.gov.vn

Sa mạc hóa là yếu tố dẫn đến suy thoái đất, là vấn đề có quy mô toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển bền vững, an toàn sinh thái, an ninh xã hội và an ninh lương thực. Trên thế giới, diện tích các hoang mạc chiếm khoảng 1/3 diện tích đất liền của trái đất. Tại Việt Nam, tính đến năm 2016 diện tích đất bị suy thoái trên phạm vi toàn quốc khoảng 1,3 triệu ha, chiếm khoảng 4% diện tích đất liền của lãnh thổ; diện tích đất có nguy cơ bị suy thoái là 6,7 triệu ha.

Phát triển lâm nghiệp bền vững và tái cơ cấu ngành lâm nghiệp chính là giải pháp căn bản để chống sa mạc hóa và suy thoái đất ở Việt Nam. Trong đó, đặc biệt coi trọng giải pháp quản lý, phát triển rừng bền vững. Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng ban Điều phối quốc gia thực hiện Công ước chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc, nhấn mạnh: “Trồng cây không chỉ là dịp hưởng ứng mà còn tạo ra nhận thức sâu sắc trong chống sa mạc hóa và hưởng ứng lời kêu gọi trồng cây của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phải tạo nhận thức sâu sắc để có những hành động cụ thể từ nghiên cứu đến hoạt động thực tiễn đóng góp vào việc trồng cây gây rừng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước. Giải quyết căn cơ bảo vệ phát triển rừng bền vững là biện pháp quan trọng để chống sa mạc hóa”.

Sa mạc hóa là vấn đề lớn về môi trường cần có sự chung ta của cộng đồng xã hội. Với đặc trưng địa lý, địa hình và tác động của thổ nhưỡng và thủy văn ở Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu thì rừng là nhân tố quan trọng vừa bảo vệ môi trường, chống sa mạc hóa và tăng thu nhập cho người dân. Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thế Đồi, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, cho rằng: “Các địa phương phải quy định ở những địa hình hay độ dốc nào không nên canh tác hoặc trồng những loại cây trồng ngắn ngày mà ở đây phải trồng rừng. Trồng cây phải là cây dài ngày và cây bản địa để chống được sa mạc hóa và quy thoái đất”.

Công ước Chống sa mạc hóa Liên hợp quốc ra đời ngày 17/6/1994, hiện nay có 197 thành viên tham gia Công ước. Việt Nam gia nhập Công ước này từ năm 1998. Những năm qua Việt Nam là quốc gia thành viên có trách nhiệm trong thực hiện mục tiêu Công ước chống sa mạc hóa, đã ban hành và triển khai các chương trình, đề án về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững; chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu