Tái hiện không khí đón tết tại Hoàng Thành Thăng Long

Chia sẻ
(VOV5) - Chào Xuân Quý Mão 2023, ngay từ dịp tết Dương lịch, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động ý nghĩa.

Trong đó, hoạt động đầu tiên là không gian trưng bày Tết Nguyên đán truyền thống diễn ra hôm qua (1/1), tái hiện không khí đón Tết đầm ấm cùng những tập tục đẹp trong những ngày Tết, đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người dân. 

Tái hiện không khí đón tết tại Hoàng Thành Thăng Long - ảnh 1Gian trưng bày "Treo tranh tết". Ảnh: Thủy Tiên/VOV

Điểm nhấn của không gian trưng bày Tết Nguyên đán năm nay của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội là những tập tục, như: Tục cúng gia tiên, tục treo tranh, tục chúc tết, xin chữ đầu năm... Nếu như gian “Treo tranh Tết” gây ấn tượng đối với người xem bằng nhiều dòng tranh dân gian nổi tiếng như Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống và Kim Hoàng (Hà Nội)…thì gian trưng bày “Không khí chuẩn bị ngày Tết” với các sản phẩm đặc sắc mang hương vị Tết xưa đã gợi lại nhiều ký ức đẹp và ý nghĩa cho người dân. Chị Vũ Thị Thu Hà, 43 tuổi và ông Nguyễn Huy Thường, 60 tuổi, chia sẻ:

-"Trưng bày gợi nhớ cho mình những kỷ niệm thời trước, chắc thế hệ 7x, 8x chứng kiến nhiều hơn. Ví dụ như tranh Đông Hồ, các bạn nhỏ giờ chỉ biết qua tivi, không thể biết chi tiết các công đoạn vẽ tranh như thời mình, rồi các gian hàng trưng bày con lợn đất cũng gợi lại ký ức ngày xưa bố mẹ hay mua cho để tiết kiệm tiền lì xì ngày Tết".

-"Có nhiều hình ảnh, hiện vật gợi lại quá khứ, nhất là thời bao cấp như thế hệ chúng tôi đã trải qua, như sống lại thời ấy. Như băng pháo Trúc Bạch, những chai rượu chanh, bánh Chưng ngày tết. Tôi ấn tượng những gian đồ của ngày Tết xưa, ngày thường không có, ngày Tết mới có những đồ đấy".

Tái hiện không khí đón tết tại Hoàng Thành Thăng Long - ảnh 2 Gian trưng bày "Không khí chuẩn bị tết". Ảnh: Thủy Tiên/VOV

Không chỉ thu hút các vị khách trung niên và cao niên, không gian trưng bày Tết truyền thống còn là địa điểm lý tưởng để người trẻ tìm hiểu và thêm yêu văn hoá truyền thống của dân tộc. Lê Anh Thư, một học sinh cấp 3 ở Hà Nội, chia sẻ: "Em thấy những tục lệ thờ cúng của  Việt Nam, đó là 23 tháng chạp, đêm giao thừa rồi các ngày tết mùng 1,2,3 các gia đình sẽ làm mâm cơm vào buổi sáng để cúng gia tiên, biết ơn và tưởng nhớ. Em thấy rất ý nghĩa, giúp chúng ta nhớ đến những phong tục tập quán, những giá trí tuyền thống của người Việt Nam mình".   

Tiếp nối chuỗi hoạt động chào xuân Quý Mão 2023, trong ngày 14/1 (tức ngày 23 tháng Chạp), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội sẽ ra mắt Trưng bày “Cung đình ngày xuân”, giới thiệu tới công chúng và du khách sự độc đáo đầy tôn nghiêm của lễ Tết cung đình. Trong đó, Lễ Chính đán là một trong những nghi thức quan trọng, thể hiện mong muốn quốc gia phồn thịnh, dân tộc trường tồn, tạo ra không khí đầu năm mới với niềm hy vọng về những dự báo tốt đẹp cho năm 2023.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu