Rực rỡ Mai vàng Bình Định

Thanh Thắng
Chia sẻ
(VOV5) -Từ ngày 26-29/01, tại xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, trưng bày hàng trăm cây Mai vàng với đủ dáng, thế. 

Nhiều gốc Mai có dáng thế mới lạ, độc đáo, trị giá hàng tỷ đồng được các nghệ nhân trình làng, phục vụ du khách, nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Các nghệ nhân và người trồng Mai đã trưng bày, giới thiệu gần 300 tác phẩm Mai vàng nghệ thuật (Mai lớn cao hơn 2m, Mai dáng thế truyền thống, Mai mini, Mai bonsai các loại) và hơn 5.000 tác phẩm Mai vàng các loại. Nhiều cây Mai vàng có dáng thế độc đáo đã được đưa đến trưng bày.

Rực rỡ Mai vàng Bình Định - ảnh 1Triển lãm mai vàng 2024, nghệ nhân Triệu Thế Hiệp, xã Nhơn Phong (TX An Nhơn) tham gia tác phẩm dáng long - Ảnh: baobinhdinh.vn

Ông Nguyễn Văn Bình, ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, sử hữu cây Mai 33 năm tuổi, cho biết: "Cây Mai này lượng búp của nó không năm nào mất kể từ hồi trồng đã có hoa tới bây giờ. Lượng hoa này nở đến rằm tháng Giêng chưa hết. Trưng bày mấy năm trước tôi không có đến, năm nay, Ban Tổ chức và các nghệ nhân đem cây rất xuất sắc và hoàn hảo, đặc biệt là giao lưu quảng bá mai vàng Bình Định."

Triển lãm cây Mai vàng là hoạt động truyền thống ở địa phương này mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhằm giới thiệu và quảng bá thương hiệu "Mai vàng An Nhơn", sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của thị xã An Nhơn; góp phần kết nối giữa người sản xuất và tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm Mai An Nhơn.

Ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, cho biết: "UBND thị xã An Nhơn đã tổ chức triển lãm tại khu trưng bày Mai vàng An Nhơn. Khu vực này cũng mới hoàn thành đưa vào sử dụng đúng vào dịp cuối năm. Chúng tôi huy động các nghệ nhân của thị xã An Nhơn và mời các nghệ nhân ở các huyện, thị xã, thành phố đến tham dự lễ hội lần này."

Nhân dịp này, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho cây Mai vàng của Bình Định. Đây là tin  vui đối với người trồng Mai vàng ở tỉnh Bình Định.

Bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định, cho biết:"Mai vàng Bình Định được bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý đã giúp nâng tầm rất lớn về mặt thương hiệu. Để bảo hộ được một sản phẩm dưới dạng chỉ dẫn địa lý là một điều vô cùng đặc biệt. Từ chỗ Mai vàng của mình đi ra thị trường mang chỉ dẫn địa lý thì người tiêu dùng cũng sẽ tự tin hơn và biết rằng Mai này có nguồn gốc xuất xứ từ Bình Định. Khi được sản xuất tại Bình Định là có những nét đặc thù rất riêng biệt và tạo nên giá trị riêng."

Thị xã An Nhơn, Bình Định, là nơi chuyên trồng Mai vàng ở khu vực miền Trung, với hơn 340 ha. Dịp Tết Giáp Thìn năm nay, Thị xã sẵn sàng cũng ứng ra thị trường hơn 2 triệu chậu Mai.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu