Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự Lễ Kỷ niệm 30 năm Làng trẻ em SOS Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đề nghị các làng trẻ em SOS Việt Nam làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc trẻ em, nâng cao chất lượng chăm sóc các cháu.

Sáng 9/1, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thưởng binh và Xã hội tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển Làng trẻ em SOS Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự Lễ Kỷ niệm 30 năm Làng trẻ em SOS Việt Nam - ảnh 1

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự Lễ Kỷ niệm 30 năm Làng trẻ em SOS Việt Nam - Ảnh: GT&DT

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đề nghị các làng trẻ em SOS Việt Nam làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc trẻ em, nâng cao chất lượng chăm sóc các cháu, chú trọng trang bị các kiến thức, điều kiện để trẻ em của làng được hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước cần mở rộng hỗ trợ tài chính trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại cộng đồng để ngày càng có nhiều trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được nuôi dưỡng, được sống trong môi trường cùng gia đình và người thân: “Bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ của Làng trẻ em SOS quốc tế, Làng trẻ em SOS Việt Nam cần đẩy mạnh vận động quyên góp từ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ các em. Đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho việc nuôi dưỡng thường xuyên cho trẻ em các lang SOS để chia sẻ khó khăn của các làng hiện nay; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của các bà mẹ, bà dì, thầy cô giáo ở các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em SOS”.

Ngày 22/12/1987, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng Làng trẻ em SOS Quốc tế ký Hiệp định về việc tiếp nhận tài trợ của Làng trẻ em SOS Quốc tế để xây dựng và phát triển Làng trẻ em SOS tại Việt Nam. Mục đích nhằm nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi theo mô hình gia đình thay thế với bốn nguyên tắc của tổ chức Làng trẻ em SOS Quốc tế là bà mẹ, anh-chị-em, ngôi nhà và cộng đồng làng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu