Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Chia sẻ
(VOV5) - Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được coi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển. 

Nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, do sự bùng nổ của công nghệ thông tin, quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản càng cao; biến đổi khí hậu cùng nhu cầu lương thực không ngừng tăng lên… đã và đang là những thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp.
Chính vì vậy, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu để giúp phát triển nông nghiệp bởi việc áp dụng những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất sẽ nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - ảnh 1Trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Phạm Hải/ VOV

Xác định tầm quan trọng của nông nghiệp ứng dụng công nghệ giúp thay đổi bức tranh nông nghiệp, đưa nền nông nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều văn bản định hướng về phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao như: “Hiện đại hóa, thương mại hóa nông nghiệp, chuyển mạnh sang phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, sản xuất lớn, dựa vào khoa học - công nghệ, có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Chuyển nền nông nghiệp từ sản xuất lương thực là chủ yếu sang phát triển nền nông nghiệp đa dạng phù hợp với lợi thế của từng vùng”…

Hiện nay, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - ảnh 2Mô hình trồng dưa lưới theo công nghệ Israel. Ảnh: Phạm Hải/ VOV

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các khu sản xuất tập trung quy mô lớn với công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao.
Trong lĩnh vực trồng trọt đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến; do làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh nên sản lượng và chất lượng nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế tăng. Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) ngày càng mở rộng và hiệu quả mang lại sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, năng suất cao.

Bên cạnh đó, việc mở rộng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất cùng với kết quả nghiên cứu, đánh giá, triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị …

Với sự giúp sức của khoa học công nghệ được ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp từ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch… đã tạo ra giá trị mới cho nông sản, giúp sản phẩm tươi, an toàn, nâng cao năng suất, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng...

Để khoa học công nghệ thực sự thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cùng với đó cần sự đồng bộ trong toàn hệ thống để đưa các chính sách vào thực tiễn một cách thực sự để thực thi hiệu quả, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu