Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên phát triển nhanh, bền vững

Vũ Khuyên, Ngọc Thượng (Đài truyền hình Điện Biên)
Chia sẻ
(VOV5) - Tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu tăng trưởng trên 10% trong năm nay.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Điện Biên trước đây là vùng đất cách mạng gắn với chiến thắng Điện Biên phủ (7/5/1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh, giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên xây dựng quê hương, ngày càng giàu đẹp, phát triển nhanh và bền vững.

Tỉnh Điện Biên có 10 đơn vị hành chính, gồm: 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện với 130 xã, phường, thị trấn. Tỉnh có diện tích hơn 9,5 nghìn km2, dân số trên 630.000 người với 19 dân tộc anh em, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm gần 83% dân số. Tỉnh Điện Biên giữ vị trí chiến lược quan trọng bởi có biên giới với hai quốc gia Lào và Trung Quốc dài gần 460 km.

Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên phát triển nhanh, bền vững - ảnh 1Toàn cảnh thành phố Điện Biên Phủ - Ảnh: IT

Điện Biên có tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và du lịch. Kinh tế của tỉnh trong những năm qua tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm ngoái, tỉnh Điện Biên đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, đạt và vượt 48/51 chỉ tiêu kế hoạch, kinh tế tăng 10,19%. Trong chuyến công tác đầu tháng 4 mới đây tại tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu địa phương làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, sớm hoàn thành lập quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Tập trung phát triển hạ tầng có trọng tâm trọng điểm vào hạ tầng giao thông hạ tầng viễn thông, điện, hạ tầng về giáo dục đào tạo y tế, hạ tầng bảo vệ các đường biên giới, rồi tập trung cho 3 động lực là: tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, gắn với việc này là phải phát triển doanh nghiệp. Tỉnh thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Muốn phát triển doanh nghiệp thì phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp."

Để phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Điện Biên đã điều chỉnh chiến lược các ngành kinh tế, ưu tiên phát triển nông, lâm nghiệp, du lịch, thủy điện, khoáng sản, công nghiệp chế biến và kinh tế cửa khẩu theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên, cho biết: "Tỉnh Điện Biên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư có tiềm năng lên tìm hiểu, khảo sát và thực hiện các dự án đầu tư. Chúng tôi mở tuyến bay Điện Biên - Hà Nội, Điện Biên - Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội rất tốt để thúc đẩy phát triển du lịch cũng như thu hút đầu tư. Một số dự án trọng điểm đã được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đáng chú ý là dự án giải phóng mặt bằng phục vụ dự án nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Điện Biên. Những dự án khác, như: dự án đường 60m và hạ tầng kỹ thuật khung, Dự án Hồ chứa nước Ảng Cang từng bị chậm tiến độ, nay đã khơi thông điểm nghẽn và đảm bảo tiến độ thực hiện dự án."

Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên phát triển nhanh, bền vững - ảnh 2Những ngôi nhà nằm san sát nhau bên cánh đồng Mường Thanh - Ảnh: TTXVN/ Báo Tin tức

Trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, tỉnh Điện Biên tập trung trồng các loại cây có thế mạnh, như: mắc ca, cà phê, cao su. Đặc biệt, tỉnh đã tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển các vùng chuyên canh, sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, cho biết: "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện được các chuỗi liên kết sản xuất và gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ở đây, các chuỗi liên kết đã hình thành được các hợp tác xã, các sản phẩm OCOP (chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm). Các địa phương vào cuộc quyết liệt và đến nay đã có nhiều sản phẩm OCOP trong hơn 20 chuỗi liên kết sản xuất an toàn. Cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo đặc sản ở huyện Điện Biên được triển khai hiệu quả và duy trì hoạt động tốt."

Tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu tăng trưởng trên 10% trong năm nay. Đối với tỉnh năm nay là một năm rất quan trọng vì đến năm tới đây là năm kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh cần có bước phát triển đột phá. Với nhiều tiềm năng và nguồn lực phong phú, đa dạng, tỉnh Điện Biên hội tụ đủ các điều kiện để đến năm 2030 trở thành tỉnh có kinh tế phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu