Phán quyết vụ Monsanto làm dấy lên hy vọng về vụ kiện chất độc da cam của Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Bà Merle Ratner, điều phối viên của tổ chức Vận động cứu trợ và trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục vận động chính quyền Mỹ, Quốc hội Mỹ có những biện pháp hỗ trợ khăc phục hậu quả chất độc da cam tại Việt Nam.

Tại Việt Nam và ở một số nơi trên thế giới, cái tên Monsanto hay bị gắn liền với chất độc dioxin được quân đội Mỹ sử dụng phổ biến như thuốc diệt cỏ trong thời gian chiến tranh.

Năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam khởi kiện 37 công ty sản xuất hóa chất Mỹ, trong đó có Monsanto.

Phán quyết vụ Monsanto làm dấy lên hy vọng về vụ kiện chất độc da cam của Việt Nam - ảnh 1 Nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam - Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Ngày 18/4/2017, Tòa án quốc tế về Monsanto tại La Hay, Hà Lan công bố kết luận rằng công ty Monsanto đã hủy diệt môi trường, gây thiệt hại cho người dân Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại New York mới đây, bà Merle Ratner, điều phối viên của tổ chức Vận động cứu trợ và trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam, cho biết phán quyết của tòa án bang California yêu cầu công ty Monsanto bồi thường 289 triệu USD cho ông Dewayne Johnson, bị ung thư giai đoạn cuối do người này đã sử dụng thuốc Roundup của Monsanto để chăm sóc các vườn trường học trong gần 30 năm qua, mang tính lịch sử, sẽ có tác động đáng kể đến những vụ kiện tương tự chống lại công ty Monsanto.

Bà cũng từng sát cánh với Hội Nạn nhân da cam Việt Nam trong vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ, trong đó có Monsanto, trong nhiều năm. Bà khẳng định sẽ tiếp tục vận động chính quyền Mỹ, Quốc hội Mỹ có những biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả chất độc da cam tại Việt Nam, đồng thời theo đuổi các thủ tục pháp lý để buộc các công ty sản xuất hóa chất Mỹ phải đền bù cho những nạn nhân chất độc da cam.

Tập đoàn Monsanto, trụ sở tại St. Louis, bang Missouri, Mỹ, cũng là một trong những nhà cung cấp chính chất độc da cam được Không quân Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ở Việt Nam, có khoảng 4,8 triệu nạn nhân của chất độc da cam dioxin.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu