Những chiến sĩ “sao đỏ” thắp sáng biên cương sau giông lốc

Sỹ Đan
Chia sẻ
(VOV5) - Chính quyền huyện biên giới Mường Lát cho biết, trên đìa bàn có 90 ngôi nhà bị gió lốc làm đổ; trường học, kênh mương, đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng...

Những ngày qua tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa diễn biến phức tạp, hơn 90 ngôi nhà của người dân huyện biên giới Mường Lát bị tốc mái, hư hỏng, nhiều tuyến đường bị sạt lở, ách tắc. Không quản ngại gian khó, bất kể ngày hay đêm, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang trên địa bàn đã ngày đêm giúp dân khắc phục hậu quả, tu sửa nhà cửa, sớm ổn định đời sống.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây: 

 Do ảnh hưởng bão số 3, đất đá sạt lở làm 6 ngôi nhà người dân bản Suối Phái, xã Tam Chung, huyện biên giới Mường Lát hư hỏng; tuyến đường giao thông vào bản bị chia cắt. Rất may chị Cứ Thị Giông, bản Suối Phái, xã Tam Chung cùng với người dân kịp thời sơ tán an toàn.
Những chiến sĩ “sao đỏ” thắp sáng biên cương sau giông lốc - ảnh 1Người dân được sơ tán đến nơi an toàn

Chị Cứ Thị Giông, bản Suối Phái, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, Thanh Hóa vẫn chưa hết bàng hoàng: "Vào lúc 2 giờ sáng, khi gia đình đang ngủ say, bỗng nghe tiếng động mạnh,và có tiếng hàng xóm kêu gọi, gia đình tôi mới  giật mình tỉnh giấc, bế cháu nhỏ chạy ra ngoài, không kịp lấy đồ dùng mang theo. Trong đêm tối, gia đình di chuyển sang nhà họ hàng để lánh nạn, đến hôm sau mới quay trở về nhà để nhìn  cảnh tượng kinh hoàng"

Mưa lũ xảy ra trong đêm tối, địa hình rừng núi phức tạp, phần lớn những hộ bị thiệt hại thường sinh sống trên triền đồi cao, hoặc ven sông suối, xa trung tâm. Thế nhưng, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mường Lát đã chủ động tham mưu với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn của huyện chỉ đạo các địa phương phát huy phương châm “4 tại chỗ”, huy động lực lượng, phương tiện kịp thời hỗ trợ người dân phòng chống thiên tai. Nhờ đó nhiều người dân đã được hỗ trợ di rời, đến nay lại được bộ đội hỗ trợ dựng lại nhà cửa. Anh Tráng Đỗ Mười, Bí thư kiêm trưởng bản Suối Phái, xã Tam Chung, huyện Mường Lát cho biết:

Sau cơn bão số 3, bản Phái có 6 hộ dân bị thiệt hại nhà cửa. Trong đó có hộ gia đình Chá A Dia là thiệt hại nặng, không thể khắc phục được. Trong quá trình chuyển nhà được cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện, xã Tam Chung, Tổ liên ngành đến hỗ trợ, giúp đỡ gia đình tháo dỡ nhà, tìm chỗ ở cho các hộ dân ở tạm thời để khắc phục hậu quả).

Những chiến sĩ “sao đỏ” thắp sáng biên cương sau giông lốc - ảnh 2Lực lượng vũ trang địa phương đã có mặt kịp thời hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra

Trung tá Trịnh Xuân Thành, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mường Lát cho biết, với tinh thần sớm ổn định đời sống người dân, khẩn trương sửa chữa, dựng nhà để người dân yên tâm sinh sống, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mường Lát đã huy động 65 lượt cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và trên 150 lượt dân quân đến những bản xa xôi bị ảnh hưởng do thiên tai để hỗ trợ Nhân dân khắc phục thiệt hại do mưa lũ:

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai của huyện làm tốt công tác chuẩn bị, kiểm tra đầy đủ vật tư, phương tiện và các phương án, phát huy phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt, khi thiên tai xảy ra chúng tôi đã phối hợp với Đoàn Kinh tế Quốc phòng 5, 5 Đồn biên phòng và Công an  huyện khẩn trương, nhanh chóng di dời các hộ dân ở nơi có nguy cơ sạt lở cao về nơi an toàn, đảm bảo lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống cho bà con Nhân dân.

Chị Sùng Thị Nú, bản Suối Phái, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, Thanh Hóa chia sẻ: "Trong cơn bão số 3, nhà ở của gia đình tôi bị sạt lở ta luy âm nên đất đá tràn vào nhà. Lúc đó, các lực lượng chức năng đã đến giúp gia đình di dời đến nhà văn hóa bản ở tạm. Không biết nói gì hơn, gia đình xin cảm ơn sự giúp đỡ của các lực lượng chức năng."

Chính quyền huyện biên giới Mường Lát cho biết, trên đìa bàn có 90 ngôi nhà bị gió lốc làm đổ; trường học, kênh mương, đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng... để lại thiệt hại nặng nề, nhưng sự có mặt kịp thời của những người lính bộ đội cụ Hồ giúp Nhân dân khắc phục khó khăn sẽ mãi là những hình ảnh đẹp trong lòng bà con Nhân dân vùng biên.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu