Ngày 12/6, Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) tại Việt Nam, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức tọa đàm “COVID-19: Bảo vệ trẻ khỏi lao động trẻ em - khẩn cấp hơn bao giờ hết!” nhằm hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng chống Lao động Trẻ em (12/6).
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN |
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho rằng trong thời gian qua Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp, thực hiện nhiều chương trình, dự án dài hạn như: chương trình phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em; dự án nâng cao năng lực quốc gia về phòng ngừa lao động trẻ em (ENHANCE); tăng cường truyền thông về bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, thành tựu giảm nghèo của Việt Nam cũng góp phần giảm số lao động trẻ em tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhận thức của cộng đồng xã hội ở Việt Nam hiện nay về lao động trẻ em vẫn còn rất khác nhau.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết: Những tác động của COVID-19 đến bảo vệ trẻ em và vấn đề lao động trẻ em sẽ được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rút ra bài học để xây dựng kế hoạch tiếp tục lộ trình giảm thiểu lao động trẻ em đến năm 2025 và 2030.
Hiện Cục Trẻ em cũng đang cùng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và một số tổ chức khác xây dựng một chỉ tiêu về thực hiện quyền trẻ em là chỉ tiêu giảm nghèo đa chiều ở trẻ em, bảo đảm thực hiện các Quyền của trẻ em: “Giải pháp cốt lõi để giải quyết vấn đề lao động trẻ em cũng là làm sao để cho trẻ em được đi học, để đảm bảo tri thức phổ cập. Các em có thể tiếp tục tham gia học nghề để có một công việc bền vững. Bởi vậy, Việt Nam sẽ tiếp tục phải chấp nhận những thách thức về tiêu chuẩn liên quan đến lao động trẻ em, giảm thiểu lao động trẻ em, thậm chí cả lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng trong các nhà thầu phụ. Câu chuyện mà giải quyết vấn đề lao động trẻ em không chỉ là câu chuyện của hội nhập kinh tế mà nó là câu chuyện để bảo vệ quyền của trẻ em, có thể tạo cho con em chúng ta có một tương lai tốt đẹp nhất”.