Lưu giữ, bảo tồn nghề nặn phỗng đất truyền thống

VOV1
Chia sẻ
(VOV5) - Nhắc tới nghề làm phỗng đất phải kể đến thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, bởi đây là một trong những nơi làm phỗng đất nổi tiếng cả nước. 

Trước đây, hầu hết người dân thôn Đông Khê đều theo nghề này nhưng nay trong thôn chỉ còn duy nhất gia đình nghệ nhân Phùng Đình Giáp gắn bó với nghề.  

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Phỗng đất không chỉ là đồ chơi của trẻ em, được các đền, chùa sử dụng trong cúng bái mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện hồn cốt của làng quê Việt Nam, Đặc biệt, phỗng đất chỉ được bày bán vào dịp rằm Trung Thu hoặc Tết Nguyên đán hàng năm.
Không ai rõ nghề làm phỗng đất có từ bao giờ nhưng ước tính nghề này có từ rất lâu, đã có cách đây hàng trăm năm. Trong ký ức của biết bao người Việt Nam, mâm cỗ Trung Thu truyền thống ngoài hoa quả, bánh trái nhất định phải có bộ phỗng đất, ông tiến sỹ và đèn ông sao. Thông qua bộ nhân vật phỗng đất, ông cha đã gửi gắm nhiều điều hay, ý đẹp và cả các giá trị văn hoa truyền thống lâu đời để nhắc nhở con cháu về lối sống và đạo lý làm người.
Lưu giữ, bảo tồn nghề nặn phỗng đất truyền thống - ảnh 1 Nghệ nhân Phùng Đình Giáp. Ảnh VOV1

Phỗng đất được làm từ đất thó - sự kết hợp giữa đất sét và giấy bản. Điều đặc biệt là tượng phỗng không được nung qua lửa nhưng vẫn có độ bền rất tốt. Phỗng đất có bề ngoài đơn giản nhưng đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật nặn đất cầu kỳ, công phu. Phỗng đất không có nhiều chi tiết phức tạp mà toát lên vẻ dân dã, thanh thoát, đường nét trên tượng phỗng không góc cạnh mà mềm mại, tự nhiên. Màu sắc để vẽ phỗng chỉ là những màu cơ bản gồm trắng, vàng, xanh, đỏ, đen nhưng vẫn giúp phỗng đất trở nên sinh động.

Nghệ nhân Phùng Đình Giáp cho biết: “Làm bộ phỗng nhìn đơn giản nhưng tỉ mẩn, mất nhiều công. Công đoạn khó là kiếm đất, nặn hình và tô vẽ. Đất sét phải đào độ sâu từ 2,5 đến 3m mới có đất tốt. Sau khi phơi khô đất, cất đi rồi cứ đến mùa Trung Thu thì lại mang đất ra cho vào cối dã vụn cho vào sàng dần sàng như bột mỳ, tiếp đó ngâm giấy bản trong 1 tuần. Sau đó trộn đất và giấy bản với nhau đập đều sao cho nhuyễn khi cầm trên tay không dính thì mới đảm bảo chất lượng của viên đất để làm sản phẩm. Làm xong đất rồi nặn hình phỗng rồi phơi nắng. Sau khi phơi khô, lấy chất điệp và quấy hồ lên bôi để bôi lên mặt sản phẩm nền trắng, tráng men một lần nữa rồi vẽ phẩm màu lúc đó sản phẩm mới hoàn thành.”

Theo truyền thống, một bộ phỗng đất Trung Thu gồm 5 nhân vật là con chim thể hiện cho khát vọng hòa bình; con rùa gắn với biển cả bao la và sự tích thần Kim Quy - biểu tượng thiêng liêng được thần thánh hóa trong tâm trí người Việt; tượng phỗng người già và em bé thể hiện sự nối tiếp truyền thống. Đặt ở vị trí trung tâm trong bộ năm tượng phỗng là nhân vật phỗng hình Phật mang ý nghĩa tâm linh, giáo dục con cháu sống đức độ, hiền lành, đúng mực.

Theo thời gian, cùng với sự phát triển của thị trường đồ chơi hiện đại, các nhân vật phỗng đất dần trôi vào quên lãng. Số người biết, duy trì nghề làm phỗng đất càng trở nên khan hiếm bởi đây là mặt hàng chỉ dùng rất ít trong năm, cho thu nhập không cao. Luôn canh cánh với việc giữ nghề truyền thống của ông cha, Nghệ nhân Phùng Đình Giáp muốn góp sức để có thể lưu giữ và truyền lại nguyên vẹn nét đẹp văn hóa của dân tộc cho con cháu sau này.

Cháu Phùng Khánh Linh, cháu ông Phùng Đình Giáp, bày tỏ: “Cháu rất thích nghề làm phỗng của ông. Mỗi lần ông cháu làm cháu thường lên xem và học theo. Sau này, cháu muốn làm theo nghề của ông để phát triển nghề làm phỗng đất của ông cha để lại.”

Bên cạnh việc duy trì nghề nặn phỗng đất truyền thống, gia đình nghệ nhân Phùng Đình Giáp còn sáng tác thêm các sản phẩm mới, phong phú, đa dạng như búp bê, khủng long, ôtô, máy bay, 12 con giáp… để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Vào dịp nghỉ Hè, gia đình ông trở thành điểm đón tiếp nhiều đoàn khách du lịch, học sinh các địa phương về để tìm hiểu, trải nghiệm nghề làm phỗng đất truyền thống.

Nghệ nhân Phùng Đình Giáp cũng thường xuyên được các cơ quan mới trình diễn nghề tại Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ ở Hà Nội hay các hội chợ, triển lãm làng nghề thủ công truyền thống ở các địa phương.

Nghệ nhân Phùng Đình Giáp bộc bạch:“Tôi theo nghề làm phỗng đất từ nhỏ, tôi học từ ông và bố tôi, làm từ đó đến giờ là đời thứ 3. Đến nay tôi đã truyền được nghề cho con trai tôi làm nghề này. Tôi muốn giữ gìn nghề truyền thống của ông cha, hơn nữa nghề này giáo dục rất tốt cho thế hệ trẻ. Tôi chỉ mong muốn mọi người biết được nhiều nghề làm phỗng không như các đồ chơi hiện đại khác mà còn mang ý nghĩa dân gian. Mỗi người hiểu được lại truyền bá cho người khác, nhất là thế hệ trẻ bây giờ phải trân trọng đồ chơi dân gian cổ truyền của dân tộc.”

Do hiệu quả kinh tế đem lại không cao, nghề làm phỗng đất vì thế mà mai một dần. Tuy vậy, nghề làm phỗng đất vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong lòng những con người trân quý nghệ thuật dân tộc. Bởi nó không chỉ là một phần ký ức tuổi thơ của biết bao thế hệ mà còn cất giữ những giá trị văn hóa lâu đời. Nghề nặn phỗng đất ở thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu