Khắc phục hậu quả bom mìn vì hòa bình và phát triển bền vững

Chia sẻ
(VOV5) -  Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800 nghìn tấn.

Tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha, chiếm hơn 18% tổng diện tích cả nước. Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo về công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam, hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bom mìn 4/4, do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm hành động bom mìn quốc gia (VNMAC) tổ chức chiều qua, tại Hà Nội.

Theo đánh giá, năm ngoái, trong khuôn khổ Chương trình Hành động quốc gia về Khắc phục hậu quả bom mìn (giai đoạn 2010-2020), Việt Nam đã huy động nguồn lực với tổng giá trị hơn 12 nghìn tỷ đồng (hơn 500 triệu USD) và giải phóng được gần 500.000 hecta đất bị ô nhiễm để tạo không gian phát triển.
Khắc phục hậu quả bom mìn vì hòa bình và phát triển bền vững - ảnh 1Họp báo thông tin về công tác khắc phục hậu quả bom mìn. Ảnh: VOV

Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia (VNMAC) đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Ngày Quốc tế nâng cao nhận thức về hiểm họa bom mìn 04/04; tham gia các hoạt động về hành động bom mìn của Liên hợp quốc, khu vực Đông Nam Á và các tổ chức quốc tế; triển khai các dự án về rà phá bom mìn, về quản lý thông tin trong khắc phục hậu quả bom mìn giai đoạn 2020 - 2023, về điều phối và cung cấp cố vấn kỹ thuật cấp cao cho Trung tâm hành động bom mìn quốc gia...

Thiếu tướng Nguyễn Thành Định, Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, nhấn mạnh: "Hậu quả của bom mìn gây ra cho Việt Nam sau bao cuộc chiến tranh rất lớn. Ở Việt Nam, thường xuyên xảy ra tai nạn bom mìn. Do đó, Đảng và Nhà nước luôn quyết tâm, nhanh chóng tăng lực lượng, tăng nguồn lực để khắc phục hậu quả bom mìn, cho dân có điều kiện để sản xuất, có điều kiện mặt bằng để xây dựng các công trình”

Thực hiện kế hoạch năm 2023 về khắc phục hậu quả bom mìn, các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước sẽ tập trung xây dựng cơ chế vận động tài trợ trong nước và quốc tế; xây dựng hoàn chỉnh và trình ban hành Chiến lược quốc gia về giáo dục nguy cơ tai nạn bom mìn; với mục tiêu phấn đấu không còn tai nạn do bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2025.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu