JICA đồng hành, hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Trong tương lai, nhiều doanh nghiêp 2 nước Việt Nam- Nhật Bản sẽ trở thành đối tác kinh doanh của nhau.

Sau 3 năm triển khai, mặc dù gặp khó khăn trong giai đoạn đầu do đại dịch COVID-19, dự án hợp tác kỹ thuật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và phát triển ngành công nghệ phụ trợ do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA  phối hợp cùng Cục phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) triển khai, đã đạt được một số kết quả tích cực có tính lan tỏa và hỗ trợ rất thiết thực các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam.

Sau khi tham gia các khóa đào tạo, tư vấn giám sát về quản lý, quy trình sản xuất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đã vận hành vào thực tế, chủ động thay đổi, sáng tạo những mô hình sản xuất bền vững. Bài viết “JICA đồng hành hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam” nhìn lại thành quả và hoạt động của dự án trong 3 năm qua:
Nghe âm thanh bài viết tại đây:  
Dự án “Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển ngành công nghiệp” được thực hiện từ năm 2020 đến 2023, với mục tiêu thiết lập và nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên gia; tư vấn hỗ trợ tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ tại Việt Nam để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Chương trình được thực hiện theo mô hình đào tạo có sự hợp tác của Tổ chức Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản (SMRJ).
JICA đồng hành, hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam - ảnh 1Lễ tổng kết Dự án. Ảnh BTC

Trong 3 năm qua, dự án đã đào tạo nâng cấp kỹ thuật tại chỗ cho 35 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở khắp các tỉnh, thành của Việt Nam. Hàng chục CEO các doanh nghiệp được đào tạo theo định hướng “Lãnh đạo dẫn dắt sáng tạo” nhằm xây dựng những năng lực cần thiết, để điều hành tổ chức công ty theo hướng đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế.

Nói về những tác động tích cực mà dự án mang lại, đại diện một số doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ: “Tôi là tổng Giám đốc công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ cơ khí xuất nhập khẩu Nam Phong. Trong giai đoạn triển khai cụ thể, từ hiện trường sản xuất đến tập huấn nội bộ và phòng làm việc, dưới sự hướng dẫn, đào tạo chỉ dẫn tâm huyết của các chuyên gia JICA, các bước thực hiện công việc theo phương thức quản lý mới. Doanh nghiệp chúng tôi đã hoàn thiện, thay đổi được cả 5 yếu tố: Năng suất, chất lượng, chi phí, giao hàng và môi trường làm việc. Các chỉ số hoàn thành từ 60-90%. Toàn bộ phân xưởng của chúng tôi đồng lòng quyết tâm thay đổi, chủ động hơn, sáng tạo lấy người lao động gắn với sản phẩm làm mục tiêu phấn đấu"... 

“Sau khi học chương trình này, tôi về áp dụng với chính doanh nghiệp của mình. Tính đến hết tháng 11/2023, doanh thu của chúng tôi tăng gấp 4 lần so với ngoái - một kết quả thú vị ngoài mong đợi. Chương trình đã cung cấp cho một bộ công cụ qua đó giúp chúng tôi suy nghĩ, thay đổi tư duy hành động để đội ngũ anh em công ty cùng nhìn về một hướng phát triển. Với những kiến thức có được, chúng tôi cũng đã đi chia sẻ lại kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo cho nhiều trường học, câu lạc bộ khởi nghiệp ở Việt Nam. Doanh nhân Đào Hải, tư vấn viên của dự án cho biết.
JICA đồng hành, hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam - ảnh 2Các đại biểu tham quan quầy trưng bẩy sản phẩm của các doanh nghiệp. 

Những năm gần đây, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành công nghiệp phụ trợ nói riêng được xem là một trong những giải pháp quan trọng để Việt Nam cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững hướng tới một nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030. Cùng với đó, khi chuỗi cung ứng thế giới thay đổi và nhu cầu đa dạng hóa tăng lên trong bối cảnh tình hình quốc tế bất ổn thì nhiều công ty liên quan đến sản xuất trên khắp thế giới đã chuyển hướng và dành sự quan tâm đặc biệt đến Việt Nam. 

JICA đồng hành, hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam - ảnh 3Ông Watanabe Shige - Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam

Ông Watanabe Shige - Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, điều này là do Việt Nam có nguồn nhân lực chăm chỉ và tài năng dồi dào, đồng thời Chính phủ Việt Nam chủ động cải thiện môi trường đầu tư bằng cách phát triển cơ sở hạ tầng và đưa ra các ưu đãi hấp dẫn, cũng như thu hút các công ty nước ngoài: Trong hoàn cảnh đó, dự án này nhằm mục đích tăng cường sự tham gia của các công ty Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bằng cách tăng tỷ lệ mua sắm trong nước. Để Việt Nam phát triển hơn nữa, cần phải cải thiện ngành công nghiệp phụ trợ để thúc đẩy các ngành công nghiệp liên quan. Các công ty Nhật Bản đang chú ý đến Việt Nam, do nhu cầu củng cố và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất quan tâm tới doanh nghiệp Nhật Bản. Kết quả của sự hợp tác đó chính là đôi bên cùng có lợi.”

JICA đồng hành, hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam - ảnh 4 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông 

Ghi nhận thành quả của dự án, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông mong rằng, sự hỗ trợ tâm huyết từ các chuyên gia của JICA tiếp tục đóng vai trò tích cực trong tăng cường hợp tác giữa 2 nước về đầu tư, thương mại. Và, tới đây, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua đối với các nhà đầu tư nước ngoài:

Nhật Bản có nền công nghiệp chế biến, chế tạo và các tiêu chuẩn về sản xuất hiện đại hàng đầu thế giới. Việc trở thành các nhà cung ứng đầu chuỗi của Nhật Bản luôn là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực chế tạo của Việt Nam. Vì thế, các hoạt động dự án được thiết kế dựa trên thế mạnh của Nhật Bản về phát triển nền công nghiệp sản xuất, hướng tới tạo lập hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao cạnh tranh tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hi vọng các chuyên gia tư vấn được đào tạo tiếp tục học hỏi, đổi mới nâng tầm vị thế cộng đồng tư vấn, các doanh nghiệp được hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh, đổi mới sáng tạo, sức cạnh tranh hỗ trợ nhau cùng phát triển, để nâng cao năng lược nội sinh cho nền kinh tế”. Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.

JICA đồng hành, hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam - ảnh 5           Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam ông Sugano Yuichi

Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam ông Sugano Yuichi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong nâng cao năng lực và phát triển bền vững cho các doanh nghiệp Việt Nam. Với sự hỗ trợ, tư vấn của JICA, doanh nghiệp hai nước đã kết nối với nhau hiệu quả ở nhiều địa phương. Đây là mô hình tốt cần được nhân rộng để giúp hệ thống doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong tương lai ngày càng nhiều doanh nghiêp 2 nước sẽ trở thành đối tác kinh doanh của nhau.

Dự án của JICA hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đạt được một số kết quả tích cực như:  hơn 1.100 lượt học viên đã tham gia các chương trình đào tạo cho tư vấn viên về lĩnh vực khởi nghiệp, kinh doanh mới và tiền đề Shindanshi - Chẩn đoán viên doanh nghiệp ngành công nghiệp. Dự án cũng đã tiến hành đào tạo nâng cấp kỹ thuật tại chỗ cho 35 DNNVV trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo ở khắp các tỉnh, thành trong nước. Ngoài ra, đã có hơn 300 CEO của DNNVV được đào tạo theo định hướng “Lãnh đạo dẫn dắt sáng tạo. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu