Hoàn thiện hồ sơ bảo vệ Báo cáo quốc gia của Việt Nam về thực thi Công ước LHQ về chống tra tấn

Chia sẻ
(VOV5) -Công ước chống tra tấn là một trong 9 công ước cốt lõi về quyền con người của Liên hợp quốc, được thông qua ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987.

Để chuẩn bị tốt nhất cho việc bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn tại Geneva, Thụy Sỹ vào tháng 11/2018, trong 2 ngày 15 và 16/10 tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức Hội thảo tham vấn về hồ sơ bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ  nhất của Việt Nam về thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn. 

Hoàn thiện hồ sơ bảo vệ Báo cáo quốc gia của Việt Nam về thực thi Công ước LHQ về chống tra tấn  - ảnh 1Các đại biểu phát biểu góp ý tại Hội thảo. Ảnh CAND

Công ước chống tra tấn là một trong 9 công ước cốt lõi về quyền con người của Liên hợp quốc, được thông qua ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Nội dung Công ước phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong bảo vệ quyền con người, do đó, Việt Nam đã tích cực, khẩn trương phê chuẩn Công ước. Ngày 28/11/2014, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 về việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn. Ngày 7/3/2015, Công ước chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn là sự kiện pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc bảo vệ quyền con người và thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần thực thi Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. 

Tại hội thảo, các đại biểu Việt Nam và quốc tế đóng góp ý kiến về kết cấu, nội dung, các thông tin cần được trình bày trong Bài phát biểu của Trưởng đoàn công tác liên ngành của Việt Nam trước Ủy ban chống tra tấn của Liên hợp quốc. Các ý kiến cũng đóng góp vào các nội dung dự kiến cần trả lời Ủy ban liên quan đến quá trình thực thi Công ước nhằm hoàn thiện hồ sơ bảo vệ Báo cáo của Việt Nam. 

Sau khi kết thúc Hội thảo, Phiên bảo vệ giả định tiến hành với sự tham dự của 45 đại biểu là thành viên Đoàn công tác liên ngành và Tổ thư ký bảo vệ báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam và chuyên gia quốc tế, các chuyên viên của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu