Hạnh phúc được cống hiến cho cộng đồng

Hân My
Chia sẻ
(VOV5) - Những nghiên cứu của các nhà khoa học nữ  đã mở ra triển vọng trong việc chữa trị sức khỏe cho con người, mang lại thông tin định hướng chung cho những nghiên cứu về sau. 

Những nghiên cứu khoa học cơ bản về các loài thực vật, địa y  của các nhà khoa học nữ đã giúp họ tìm ra các hoạt chất và công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí quốc tế, góp phần vào việc việc chăm sóc sức khỏe cho con người. Phóng viên đài TNVN gặp gỡ các nhà khoa học để nghe họ chia sẻ về những đam mê nghề nghiệp  và hạnh phúc vì được cống hiến cho cộng đồng.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Các chị là những phó giáo sư, tiến sĩ khoa học, giảng viên của các trường đại học, tuổi đời từ 40 đến 50. Công việc nghiên cứu, giảng dạy phần nào ảnh hưởng tới con người nên điều dễ nhận thấy là họ đều rất tự tin và đầy kinh nghiệm. Tiến sĩ Tôn Nữ Liên Hương, giảng viên khoa Khoa học tự nhiên trường Đại học Cần Thơ tự hào khi giới thiệu về sản phẩm trà giải độc gan đang được bán trên thị trường do chị tham gia nghiên cứu với thành phần của các loài thuộc chi hedyotis và sau này là nghiên cứu công dụng của rau má. Kết quả của sản phẩm là sự liên kết làm việc theo nhóm. Còn tiến sĩ Võ Thị Ngà, trường Đại học công nghệ TPHCM cũng cho rằng: để tạo ra một sản phẩm cần có sự tham gia của nhiều người, trong đó công việc của các chị là bước đầu với nghiên cứu cơ bản. Cho dù không tạo ra được sản phẩm mà mang tính định hướng  nhưng là phần quan trọng: “ Làm ra 1 viên thuốc không phải chỉ có nhóm này mà sự tham gia của nhiều nhóm. Ví dụ thấy hoạt tính tốt thì các nhóm khác sẽ có  nghiên cứu tôt. Thử nghiệm trong ống nghiệm, trên chuột, trên thỏ và sau đó mới nghiên cứu lâm sàng. Tuy nhiên, nhìn nhận ra hướng cơ bản ,thì không tạo ra sản phẩm, không tạo ra giá trị tiền bạc ”.

Nhiều loài cây, địa y do các nhà khoa học nghiên cứu đến nay để đưa ra ứng dụng trong cuộc sống vẫn còn là điều trăn trở. Tuy nhiên, đam mê theo đuổi nghề nghiệp với mong muốn tìm ra những hợp chất, hoạt chất phục vụ đời sống, chăm sóc sức khỏe luôn là mong muốn của các nữ khoa học. Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Nguyễn Kim Tiến, giảng viên khoa Khoa học môi trường, Trường Đại học Sài Gòn chia sẻ về những công việc đang làm và những dự  định trong tương lai như sau:“Bên nhóm của mình nghiên cứu cơ bản, xác định cấu trúc hợp chất mới. Trên những loài thuộc chi hediotis tìm ra các chất kháng ung thư trong cây bạch hoa xà thiệt thảo, gửi đi xem hoạt tính, viết bài báo quốc tế và sau đó bên dược sẽ nghiên cứu, công bố kết quả nghiên cứu thành phần hóa học của cây hướng đến làm thuốc, thực phẩm chức năng. Hiện nay làm trên rau dền gai. Theo công dụng trị gai cột sống có rất nhiều ứng dụng trị ung thư, tiểu đường. Dự định tiếp tục khảo sát các loài trị bệnh gut và gai cột sống. Gút rễ cây kim cang”.

Hạnh phúc được cống hiến cho cộng đồng                 - ảnh 1 Các nhà khoa học nữ. Ảnh: tuoitre.vn

Đam mê nghiên cứu tìm ra nhiều loại cây có tác dụng chữa bệnh, các nhà khoa học đã phải thực hiện những chuyến đi vào rừng, tới các vùng đồng bào dân tộc, sống cùng họ trong điều kiện thiếu thốn để tìm ra các loại cây . Ví dụ như cây hoa giấy do tiến sĩ Đỗ Thị Mỹ Liên nghiên cứu tìm phân tích và chiết xuất được thành phần hóa học của cây có tác dụng kháng viêm, trị bệnh tiểu đường và ung thư. Hoặc như đề tài nghiên cứu cây nam sâm, với những hoạt chất tăng sức đề kháng cho cơ thể. Hai năm làm việc ở Thái Lan là khoảng thời gian tiến sĩ Mỹ Liên phải xa gia đình, con cái để toàn tâm, toàn ý cho công việc nghiên cứu cơ bản: “ Phụ nữ phải hy sinh đi theo đam mê. Ở nước ngoài lâu nhớ con, nhớ gia đình. Ở 1 mình trong phòng chỉ khóc.  Sợ nhất là chiều thứ 7, chủ nhật, vì đúng giờ dón con nhớ con lắm. Nên cứ cắm đầu vào phòng thí nghiệm.Ân hận vì không thẻ dem hết sức cho gia đình. Nhưng gia đình hậu phương vững chắc và động viên, cố gắng làm việc đi. Không có nghiên cứu cơ bản không biết ứng dụng vào hướng nào. Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, ảnh hưởng sức khỏe thì đó là điều hạnh phúc với mình”.

Để đạt được thành công trong sự nghiệp, phụ nữ phải vất vả hơn nam giới rất nhiều do định kiến xã hội và từ trong mỗi gia đình. Tiến sĩ Huỳnh  Bùi Linh Chi, ở Đại học Đồng Nai  lại được  chồng ủng hộ hoàn toàn. Đó là lợi thế để chị theo đuổi nghiên cứu về địa y: “ Có nhiều bài báo công bố quốc tế địa y là đề tài nghiên cứu sinh, hướng vẫn là địa y. Loại nấm cộng sinh với tảo. Cũng theo hướng hóa dược, chiết các chất, thử nghiệm hoạt tính sinh học, các dòng tế bào ung thư.Nhiêu kết quả tốt có chất kháng ung thư rất cao. Hạnh phúc là chồng không quan niệm nặng, chỉ cần thích là được”.

Những nghiên cứu của các nhà khoa học nữ  đã mở ra triển vọng trong việc chữa trị sức khỏe cho con người, mang lại thông tin định hướng chung cho những nghiên cứu về sau. Mỗi một công trình  khi được hoàn thành và ứng dụng trong cuộc sống là niềm hạnh phúc lớn lao với các chị vì đó là thành quả của những đam mê, nỗ lực của những hy sinh để  góp sức cho cộng đồng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu