Một tuyến đường sắt chở hàng xuyên biên giới Trung Quốc - Ảnh: báo Dân trí |
Dự kiến trong 10 năm tới, đường sắt Việt Nam sẽ kết nối đường sắt quốc tế qua 5 tuyến chính, đa số các tuyến sẽ kết nối với Trung Quốc trước tới các điểm đến ở Trung Á, Trung Đông, châu Âu. Hiện nay, đường sắt Việt Nam kết nối với đường sắt Trung Quốc và thông qua Trung Quốc sang các nước Trung Á, từ đó đi châu Âu, Trung Đông. Tàu của Việt Nam có thể chạy sang đường sắt Trung Quốc thông qua 2 ga cửa khẩu: Ga Lào Cai tuyến Hà Nội - Lào Cai và ga Đồng Đăng tuyến Hà Nội - Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn).
Theo Hiệp định liên chính phủ về mạng lưới đường sắt Xuyên Á mà Việt Nam tham gia từ năm 2006, có hiệu lực từ 12/2009, mạng lưới Đường sắt xuyên Á tại khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đều phải thông qua Trung Quốc để kết nối đến các quốc gia châu Á khác, thông qua 2 điểm trung chuyển tại Trung Quốc là Côn Minh và Nam Ninh. Các hướng tuyến chính kết nối từ Côn Minh đi Vientiane (Lào) – Bangkok (Thái Lan), qua Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh – Phnompenh (Campuchia) - Bangkok, qua Mandalay và Yangon (Myanmar) - Bangkok; một tuyến kết nối từ Nam Ninh qua Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, đến điểm cuối là Singapore.
Trên lãnh thổ Việt Nam, có 2 tuyến chính là nhánh Lào Cai – Thành phố Hồ Chí Minh và nhánh Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn).