Đưa Huế trở thành điểm đến du lịch xanh

Vinh Thông - Lê Hiếu
Chia sẻ
(VOV5) - Ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực xây dựng môi trường du lịch Huế ngày càng xanh - sạch - sáng, thân thiện môi trường  và hấp dẫn, thu hút du khách.

Giảm thải nhựa trong ngành du lịch nhằm góp phần đưa Huế trở thành đô thị giảm nhựa trong năm nay là lời kêu gọi của ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế. Tất cả hướng đến xây dựng môi trường du lịch Huế xanh – sạch – sáng, thân thiện môi trường và hấp dẫn du khách.

Đưa Huế trở thành điểm đến du lịch xanh - ảnh 1Thừa Thiên Huế đang nỗ lực xây dựng điểm đến du lịch xanh, hấp dẫn du khách. Ảnh: VOV

Làng Thủy Biều, phường Thủy Biều, triển khai mô hình thí điểm, điểm đến du lịch giảm nhựa đầu tiên tại thành phố Huế. Làng hiện có 15 cơ sở tham gia và triển khai các giải pháp giảm nhựa. Du khách được khuyến khích mang theo đồ dùng cá nhân, nếu không mang theo bình nước cá nhân sẽ được cấp phát bình nước và làm đầy tại 5 điểm cấp nước miễn phí. Ngoài ra, trên xe đạp cũng được bố trí áo mưa, dù. Đối với chương trình tour có trải nghiệm lớp nấu ăn, túi đi chợ và hộp đựng thực phẩm được bố trí để du khách không sử dụng túi ni lông. Trong các phòng lưu trú, chai nước thủy tinh làm đầy  thay thế chai nhựa, thay thế túi dầu gội bằng bình chiết rót làm đầy. Ông Trần Quang Hào, Chủ tịch Chi hội Du lịch cộng đồng, Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế, cho biết: “Chính du khách là người có nhu cầu đối với tour giảm nhựa này. Từ đó, bà con tham gia bằng sự mong đợi. Hai sự tiếp nhận đó gặp nhau nên người dân cảm thấy hứng thú và quyết tâm cùng thực hiện.”

Cùng với sự hỗ trợ của Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở Miền Trung Việt Nam”, Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế triển khai nhiều hoạt động giảm đồ nhựa dùng một lần phát sinh trong hoạt động du lịch từ các khách sạn, công ty lữ hành và các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn thành phố Huế. Qua 1 năm triển khai, nhiều khách sạn, công ty lữ hành, cộng đồng đề ra kế hoạch giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong hoạt động kinh doanh với nguyên tắc 6T (Từ chối - Tiết giảm - Tái sử dụng - Thay thế - Tái chế và Thu gom). Chị Đỗ Thị Ái Mỹ, nhân viên khách sạn Imperial Huế, cho biết nhận thức của các doanh nghiệp du lịch, cá nhân làm dịch vụ thay đổi rõ rệt: “Vì làm ở trong ngành dịch vụ tiếp xúc với rất nhiều khách hàng cho nên tôi cũng ý thức giảm rác thải nhựa cho môi trường. Ví dụ như bên Spa khách sạn sẽ dùng các loại như dép chiếu, đồ bằng chiếu cói để tái sử dụng. Khi đưa nước cho khách thì bên em có dùng ống hút gạo để giảm thải rác thải nhựa cho môi trường.”

Đưa Huế trở thành điểm đến du lịch xanh - ảnh 2Du khách trải nghiệm chế biến món ăn ở làng du lịch cộng đồng Thủy Biều, thành phố Huế. Ảnh: VOV

Đến nay, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có  22 khách sạn, đơn vị, chiếm 70% số lượng thành viên của Hội Khách sạn tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết triển khai ít nhất một thực hành giảm sản phẩm nhựa dùng một lần. Nhiều sản phẩm thân thiện môi trường được sử dụng, như: bút viết bằng than tre, nước đóng chai thu hồi vỏ, ni lông sinh học, điểm thu gom, phân loại rác thải… Bà Châu Thị Hoàng Mai, Giám đốc điều hành khách sạn Alba Huế, cho biết: “Chúng tôi rất mong muốn rằng những việc làm này sẽ lan tỏa được nhiều hơn. Cộng đồng du lịch của Thừa Thiên Huế sẽ càng ngày càng chú trọng hơn về việc giảm thải nhựa dùng một lần này.”

Từ tháng 8/2023, Hiệp Hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tổ chức các buổi tập huấn nâng cao nhận thức về giảm thải nhựa cho 120 thành viên trực thuộc bao gồm các khách sạn, công ty lữ hành và các điểm du lịch cộng đồng. Các thành viên của Hiệp hội đồng thuận về tính cấp thiết của việc triển khai các hoạt động giảm sử dụng sản phẩm nhựa. Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế, cho rằng: “Chúng tôi hy vọng các giai đoạn tiếp theo, ngoài những đơn vị tiên phong sẽ có những mô hình, sáng kiến hay hơn nữa. Chúng tôi sẽ nhân rộng các hoạt động này, không chỉ trong một lĩnh vực nhỏ mà tất cả hoạt động chung.”

Huế là thành phố đạt 5 danh hiệu UNESCO, thành phố Văn hóa Đông Nam Á (ASEAN), thành phố bền vững môi trường ASEAN và cũng là thành phố tiên phong trong phong trào phát triển xanh bền vững được tổ chức WWF trao bằng công nhận là thành phố xanh ASEAN năm 2024. Ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực xây dựng môi trường du lịch Huế ngày càng xanh - sạch - sáng, thân thiện môi trường  và hấp dẫn, thu hút du khách.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu