Du lịch gắn với bảo tồn các di sản văn hóa

Hân My
Chia sẻ
(VOV5) - Trách nhiệm của mỗi người dân và của các địa phương là thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển thông qua việc gìn giữ, phát huy những công trình kiến trúc lịch sử. 

Các di sản, di tích văn hóa, các lễ hội ở mỗi vùng miền đều có những  nét đặc trưng truyền thống riêng. Trách nhiệm của mỗi người dân và của các địa phương là thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển thông qua việc gìn giữ, phát huy những công trình kiến trúc lịch sử.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tây Nguyên, vùng đất trong những năm gần đây thu hút khá nhiều du khách bởi những địa danh, những công trình văn hóa độc đáo, thể hiện bản sắc và cuộc sống của người dân nơi đây. Nhà thờ Chánh Tòa Kon Tum với 100 năm tuổi cùng câu chuyện với bà Nguyễn Thị Ba: Hầu như người ta đến đây đều tìm hiểu về nhà thờ này có lịch sử như thế nào, đây là nhà thờ cổ, kiến trúc của Pháp. Mình cũng tự hào vì công trình này và qua đó mà cũng tiếp xúc được với nhiều người

Du lịch gắn  với bảo tồn các di sản văn hóa - ảnh 1 Nhà thờ gỗ. Ảnh: báo Kon Tum

Tự hào về truyền thống, di tích của địa phương cũng giúp cho mỗi người ý thức hơn vào việc tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản. Với bà Ba là thông qua những việc  làm hàng ngày, lễ tại nhà thờ,  giúp trông nom, dọn dẹp và du khách muốn hỏi thông tin gì, bà sẵn sàng hỗ trợ.

Du lịch gắn  với bảo tồn các di sản văn hóa - ảnh 2Lễ hội Cầu Ngư được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.  Ảnh: báo Khánh Hòa

Muốn để du khách khi đến đây hiểu được giá trị của một công trình kiến trúc, văn hóa, trước tiên, người dân ở địa phương phải hiểu rõ và trân trọng những giá trị văn hóa ngay tại địa phương mình. Đó cũng là mong muốn của chính quyền nhiều nơi, trong đó có Khánh Hòa, địa phương luôn tự hào về lễ hội Cầu Ngư được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc mà Khánh Hòa đang làm là bảo tồn, phát huy để những giá trị của lễ hội không mất đi mà luôn tồn tại và truyền cho thế hệ sau. Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết:Hiện nay tất cả lễ hội mà được Bộ văn hóa thể thao và du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thì tỉnh Khánh Hòa đều khôi phục lại, phục dựng, động viên người dân vùng biển hay vùng núi cho đây là lễ hội riêng của mình. Chúng tôi động viên các tầng lớp nhân dân, đặc biệt thế hệ trẻ tiếp cận với lễ hội này, làm giàu truyền thống lịch sử của dân tộc.

Quảng bá, giới thiệu hình ảnh văn hóa, những di sản của địa phương với người dân trong nước và du khách nước ngoài là nhiệm vụ của chính quyền và mục tiêu của mỗi công ty lữ hành. Vì thế, mỗi nơi đều giới thiệu, tuyên truyền theo cách riêng của mình. Với doanh nghiệp của ông Vũ Duy Bổng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình, tham gia mỗi kỳ Hội chợ du lịch Quốc tế là một hình thức để giới thiệu sản phẩm của tỉnh mình: Sản phẩm của chúng tôi mang tính khác biệt hơn so với doanh nghiệp khác, mang dấu ấn của người Việt, người Việt cổ, mang phong cách người Mường. Kiến trúc theo phong cách người Mường. Hòa Bình luôn đa dạng dịch vụ du lịch Tôi là một trong những doanh nghiệp du lịch mong muốn quảng bá hình ảnh, dấu ấn, bản sắc du lịch của mình ra nước ngoài, cũng như giới thiệu với du khách trong nước.

Du lịch gắn  với bảo tồn các di sản văn hóa - ảnh 3

Võ Bình Định có nhiều bài quyền đặc sắc. Ảnh: soha.vn 

Những hoạt động du lịch đã giúp cho du khách trong nước và nước ngoài biết đến nhiều sản phẩm, thương hiệu của các vùng miền như các di tích lịch sử, công trình văn hóa, lễ hội, các loại hình nghệ thuật dân gian, hay như võ cổ truyền Bình Định được xếp trong danh mục các dự án ưu tiên của Chính phủ về xây dựng hồ sơ di sản Võ cổ truyền Bình Định trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Điều này đòi hỏi địa phương càng phải có những kế hoạch bảo tồn như khẳng định của ông Huỳnh Cao Nhất, Phó Giám đốc Sở du lịch tỉnh Bình Định:Võ cổ truyền Bình định tạo ra nét đặc trưng kết hợp với những nét đặc trưng văn hóa khác như tuồng, văn hóa Chăm. Cùng với các doanh nghiệp khảo sát các lò võ, tư vấn cho tỉnh hỗ trợ lò võ, bảo tồn lò võ, yêu cầu các công ty lữ hành trong các tua tuyến có giới thiệu đi về các làng võ, lò võ.

Ấn tượng của du khách chính là những nét khác biệt của từng địa phương khi họ tới  và trải nghiệm. Khác biệt và độc đáo luôn thu hút khách chính là các sản phẩm, nét văn hóa đặc trưng mỗi vùng miền. Và trách nhiệm của mỗi địa phương, mỗi người dân là phải biết khai thác và phát huy những tiềm năng sẵn có.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu