Dự án tăng cường hợp tác giữa Bộ đội Biên phòng Việt Nam với IOM trong phòng, chống mua bán người và tội phạm xuyên biên giới

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) -  Bộ đội Biên phòng là lực lượng đầu tiên và đôi khi là lực lượng duy nhất mà nạn nhân bị mua bán có thể tiếp xúc trong suốt quá trình giải cứu.

Ngày 2/10 tại Hà Nội, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam và Cục Phòng, chống Ma túy và Tội phạm (PCMT&TP), Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam phối hợp tổ chức lễ triển khai dự án 2 năm nhằm nâng cao năng lực phòng chống mua bán người ở khu vực biên giới cửa khẩu và trên biển của Việt Nam.

Dự án tăng cường hợp tác giữa Bộ đội Biên phòng Việt Nam với IOM trong phòng, chống mua bán người và tội phạm xuyên biên giới  - ảnh 1Trưởng phái đoàn IOM Việt Nam, bà Park Mi-Hyung

Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng phái đoàn IOM Việt Nam, bà Park Mi-Hyung nhấn mạnh, việc tạo điều kiện cho di cư xuyên biên giới an toàn và trật tự, đồng thời duy trì an ninh biên giới và hỗ trợ cho lực lượng biên phòng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của IOM: "Mua bán người là một vấn nạn toàn cầu, đòi hỏi phải có sự phối hợp hiệu quả chặt chẽ. Dự án này là một phần quan trọng của IOM trong hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam không chỉ tăng cường quản lý biên giới và quản lý dòng người di cư, mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu của Chương trình quốc gia về Phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn dến 2030 và Kế hoạch triển khai Thỏa thuận Toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự mà Việt Nam là một quốc gia thành viên tích cực trong công tác triển khai Thỏa thuận”.

Dự án tăng cường hợp tác giữa Bộ đội Biên phòng Việt Nam với IOM trong phòng, chống mua bán người và tội phạm xuyên biên giới  - ảnh 2Dự án được Cơ quan Phòng chống ma tuý và Thực thi pháp luật (INL), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ. Ảnh sự kiện

Từ thành công của những dự án hợp tác trước đây giữa IOM và Bộ đội Biên phòng Việt Nam, dự án này nhằm tăng cường năng lực của Bộ đội Biên phòng, đặc biệt là các cán bộ tuyến đầu tại khu vực biên giới trong phát hiện, điều tra và xử lý các vụ án mua bán người, cũng như trong công tác xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, nhất là trong bối cảnh tội phạm chuyển sang hoạt động trên không gian mạng.

Khi nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, số lượng người Việt Nam di cư ra nước ngoài làm việc với hy vọng có được cuộc sống và thu nhập tốt hơn ngày càng tăng. Lợi dụng nhu cầu đó của người dân, những kẻ mua bán người ngày càng tận dụng các nền tảng trực tuyến để tuyển mộ, lừa đảo, ép buộc và boc lột nạn nhân làm việc cho các trung tâm lừa đảo trực tuyến hoạt động tại các khu vực biên giới các nước Đông Nam Á. Theo Báo cáo tình hình mua bán người năm 2024 của Chính phủ Hoa Kỳ, hơn 4.100 công dân Việt Nam bị các tổ chức lừa đảo trực tuyến lợi dụng đã được hồi hương cũng như nhiều vụ việc đã bị vạch trần kể từ giữa năm 2022 đến nay.
Dự án tăng cường hợp tác giữa Bộ đội Biên phòng Việt Nam với IOM trong phòng, chống mua bán người và tội phạm xuyên biên giới  - ảnh 3Đại biểu chụp hình lưu niệm tại sự kiện. Ảnh IOM Việt Nam

Trong bối cảnh đó, Bộ đội Biên phòng Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống mua bán người và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Với nhiệm vụ quản lý 5.036 km đường biên giới đất liền và 3.260 km đường bờ biển, Bộ đội Biên phòng là lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống tội phạm xuyên biên giới. Bộ đội Biên phòng là lực lượng đầu tiên và đôi khi là lực lượng duy nhất mà nạn nhân bị mua bán có thể tiếp xúc trong suốt quá trình giải cứu.

Dự án tăng cường hợp tác giữa Bộ đội Biên phòng Việt Nam với IOM trong phòng, chống mua bán người và tội phạm xuyên biên giới  - ảnh 4Bà Courtney Beale – Phó Đại sứ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam

Chúc mừng Việt Nam được nâng cấp lên Nhóm 2 trong Báo cáo hàng năm về tình hình mua bán người năm 2024 của Chính phủ Hoa Kỳ, Ông Ryan McKean, Giám đốc INL Việt Nam nhấn mạnh:  “Chúng tôi tự hào là đối tác của IOM và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam trong dự án mới nhằm tăng cường khả năng xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại khu vực biên giới trên đất liền và trên biển. Thông qua việc trang bị kỹ năng, các cán bộ tuyến đầu biên giới sẽ đóng vai trò then chốt trong công tác phòng, chống mua bán người và dự án cũng góp phần đào tạo cũng như cung cấp các trang thiết bị thiết yếu hỗ trợ các cán bộ của Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.” 

Dự án tăng cường hợp tác giữa Bộ đội Biên phòng Việt Nam với IOM trong phòng, chống mua bán người và tội phạm xuyên biên giới  - ảnh 5Đại tá Vũ Xuân Đại – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống Ma túy và Tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam

Đại tá Vũ Xuân Đại – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống Ma túy và Tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam (PCMT&TP, BĐBP) khẳng định: “Hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng là một tất yếu khách quan.Trong thời gian qua, Cục PCMT&TP, BĐBP đã triển khai rất hiệu quả công tác này. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh BĐBP, Cục PCMT&TP sẽ triển khai tích cực các hoạt động hợp tác đã được phê duyệt, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người thời gian tới”.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu