"Khám phá các lĩnh vực mới của biển cả và đáy biển sâu" là chủ đề của Đối thoại Biển lần thứ 13 do Học viện Ngoại giao phối hợp với Viện Konrad-Adenauer-Stiftung tại Việt Nam (KAS) tổ chức hôm qua (14/11), tại thành phố Cần Thơ. Sự kiện có sự tham gia của hơn 160 đại biểu trong nước, quốc tế bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Quang cảnh Đối thoại Biển lần thứ 13 - Ảnh: TTXVN |
Đối thoại biển lần thứ 13 được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức chung của các nhà hoạch định chính sách cũng như chuyên gia khoa học và pháp lý về tầm quan trọng của Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ).
Một số phát biểu của chuyên gia, diễn giả quốc tế cho rằng Hiệp định BBNJ là minh chứng cho cam kết của cộng đồng quốc tế trong bảo vệ đa dạng sinh học biển tại vùng biển quốc tế; phản ánh quyết tâm chung trong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và bảo đảm sự cân bằng giữa khai thác - bảo tồn. Liên quan đến khai thác đáy biển quốc tế, nhiều chuyên gia nhấn mạnh để tiến hành các hoạt động khai thác, cần xây dựng hoàn thiện các quy định liên quan, dựa trên các dữ liệu khoa học và đánh giá tác động môi trường và trên nguyên tắc phòng ngừa. Đánh giá tác động của Hiệp định BBNJ, các chuyên gia cho rằng Hiệp định mang lại cả cơ hội và thách thức. Trong đó, Hiệp định góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế ở cấp độ khu vực và toàn cầu trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tại Biển Đông, các quốc gia có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đánh giá tác động môi trường biển chiến lược hoặc xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ, khoa học biển…Đa số đại biểu nhất trí để đảm bảo thực thi các mục tiêu về bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển, cần có sự tham gia của tất cả chủ thể trong cộng đồng quốc tế, từ các nhà hoạch định chính sách tới các chuyên gia khoa học; không chỉ cần vai trò của chính phủ mà còn của các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân.