Hôm nay (30/08), là ngày rằm tháng 7 âm lịch. Ngày này còn được biết đến là lễ Vu Lan báo hiếu, một trong những dịp lễ quan trọng trong Phật giáo. Các hoạt động dịp lễ Vu Lan nhằm tri ân công đức sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên; gắn với nhiều chương trình thiện nguyện, an sinh xã hội.
Tối qua (29/08, tức 14/07 âm lịch), tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Vesak, chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam, diễn ra Đại lễ Vu Lan 3 miền với chủ đề “Mẹ”. Chương trình có sự tham dự của các chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Tôn đức Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng đại biểu từ các ban ngành địa phương và hàng ngàn Phật tử các giới. Trong khuôn khổ chương trình, diễn ra các nghi thức tâm linh Phật giáo, diễn giải về ý nghĩa Vu Lan, thắp nến tri ân, cài hoa và tụng kinh nguyện cầu Vu Lan...
Tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Trị sự - Ban Từ thiện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố tổ chức trao tặng 1.000 phần quà cho bà con nghèo trên địa bàn Thành phố. Trong khi đó, Chư tăng, phật tử các chùa trên địa bàn thành phố, các hội từ thiện tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa, như: hiến máu nhân đạo mùa Vu Lan; phối hợp cùng đoàn y, bác sỹ thiện nguyện Thành phố tổ chức khám, chữa bệnh, tặng thuốc và quà cho công nhân…
Lễ Vu Lan diễn ra trong không khí trang nghiêm. Ảnh: VOV |
Dịp này, hơn 120 chùa chiền, cơ sở thờ tự trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều tổ chức các hoạt động Đại lễ Vu Lan, dâng y, cài hoa hồng, thắp nến tri ân, đặc biệt là việc tái hiện hành trình Cổ Phật khất thực. Nhiều hoạt động thiện nguyện cũng được tổ chức, hướng đến các hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ học sinh nghèo nhân dịp năm học mới. Hoà Thượng Thích Quảng Tâm, Uỷ viên Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Đà Nẵng, cho biết:Vu Lan năm nay đặc sắc hơn so với những năm trước, thể hiện tính đặc thù của Phật giáo gắn liền với an sinh xã hội. Buổi lễ gồm nhiều chương trình hiếu hạnh. Năm nay, chúng tôi tổ chức những khoá tu mùa hè cho các em học sinh, giúp các em hiểu nhiều về hiếu hạnh đối với cha mẹ.
Lễ Vu Lan ngày nay không đơn thuần là hoạt động lễ hội tôn giáo mà đã trở thành nét đẹp văn hoá tinh thần của người dân khắp nơi, hướng lòng người về với cội nguồn, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.