Đà Nẵng - Điểm đến tiềm năng Châu Á

Phương Cúc, Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Đà Nẵng đã kết nối với 6 hãng hàng không mở lại 4 đường bay quốc tế trực tiếp đến thành phố.
Đà Nẵng - Điểm đến tiềm năng Châu Á - ảnh 1Vườn tượng APEC Đà Nẵng nằm bên bờ sông Hàn, thành phố Đà Nẵng - Ảnh: VOV

Đà Nẵng là trung tâm du lịch, thương mại và giao dịch quốc tế lớn của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Việt Nam. Là “Thành phố đáng sống” của Việt Nam, Đà Nẵng đang phát triển 3 trụ cột chính là du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển và chú trọng 5 lĩnh vực mũi nhọn, hướng tới trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực.

Trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022 (Routes Asia 2022), ngày 5/6, Thành phố Đà Nẵng tổ chức Diễn đàn “Đà Nẵng - Điểm đến tiềm năng châu Á”. Diễn đàn nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư của thành phố trong lĩnh vực hàng không, vũ trụ, logistics; giới thiệu năng lực hạ tầng của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng từ năm 2021 đến năm 2030.

Trong hoạt động du lịch, đến nay, Đà Nẵng đã kết nối với 6 hãng hàng không mở lại 4 đường bay quốc tế trực tiếp đến thành phố, gồm: Singapore, Bangkok- Thái Lan, Kuala Lumpur- Malaysia và Incheon- Hàn Quốc. Nhiều hoạt động đặc sắc diễn ra như: Chương trình kích cầu du lịch, Diễn đàn các đường bay Châu Á, Lễ hội Tuyệt vời Đà Nẵng, các cuộc thi sắc đẹp toàn quốc, Giải Golf Châu Á, Tuần lễ Du lịch Golf Đà Nẵng... Đà Nẵng có môi trường đầu tư được đánh giá năng động và thông thoáng, luôn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.

Đà Nẵng - Điểm đến tiềm năng Châu Á - ảnh 2Hơn 80 đại diện các hãng hàng không, lữ hành ở nhiều quốc gia trên thế giới tham gia Diễn đàn - Ảnh: VOV

Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, cho biết, sắp tới thành phố sẽ trình Trung ương xem xét đề án Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực. Đồng thời, Chính phủ đã cho chủ trương thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng; cho phép thành phố nghiên cứu Đề án hình thành khu phi thuế quan, nghiên cứu phát triển đại học Đà Nẵng thành đại học quốc gia, nâng cấp nhà ga hành khách T1 - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng... Đây là những cơ hội và là động lực mới cho thành phố phấn đấu thực hiện.   

Ông Trần Phước Sơn bày tỏ: "Chúng tôi mong muốn mang đến một góc nhìn mới về Đà Nẵng - nơi không giới hạn tiềm năng phát triển trong lĩnh vực du lịch mà còn ở các lĩnh vực khác. Tôi mong rằng, qua đối thoại cởi mở về những vấn đề được quan tâm, các nhà đầu tư sẽ tìm được những cơ hội kinh doanh, kết nối mới và quan trọng nhất là hiểu hơn về Đà Nẵng - điểm đến mới đầy tiềm năng".

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2019 (trước khi bị tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19) của Đà Nẵng tăng bình quân 7,71%/năm. Trong những tháng đầu năm 2022, sau những nỗ lực thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm “khôi phục và phát triển kinh tế”, GRDP thành phố ước tăng 7,23%.

Đà Nẵng luôn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số. Với nỗ lực phát triển trên 3 lĩnh vực chính là du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển, Đà Nẵng đang dân trở thành điểm đến tiềm năng ở Châu Á.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu