Cùng Plan International thúc đẩy quyền bình đẳng của trẻ em gái!

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - “Plan International là tổ chức toàn cầu hoạt động ở hơn 65 quốc gia, có chung sứ mệnh là thúc đẩy quyền bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em gái.

 

Trao quyền cho trẻ em gái là một phần trong chương trình hướng tới bình đẳng giới ở Việt Nam. Nhiều năm qua, tổ chức Plan International đã cùng Việt Nam thúc đẩy vấn đề này bằng những hoạt động, việc làm cụ thể. 

Nhân ngày 11/10 Quốc tế trẻ em gái, Plan International tổ chức chuỗi hoạt động “Trao quyền cho trẻ em gái-Girls Takeover” trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Cùng Plan International thúc đẩy quyền bình đẳng của trẻ em gái! - ảnh 1Ngày 11/10 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là ngày Quốc tế trẻ em gái- Ảnh Plan international VietNam 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, mặc dù hiện nay có đến một nửa dân số là phụ nữ nhưng sự bất bình đẳng giới khiến họ thường bị phân biệt đối xử trên toàn cầu. Trẻ em gái thường phải đối mặt với sự kì thị vì tuổi tác và giới tính. Ở các nước đang phát triển, cứ 1 trong 3 trẻ em gái phải kết hôn trước 18 tuổi khiến họ bị tước mất cơ hội học tập, phát triển sự nghiệp, thậm chí bị bạo lực cả về thể xác và tình dục…Vì thế, từ năm 2012,  ngày 11/10 hàng năm được Liên hợp quốc gọi  là Ngày Quốc tế trẻ em gái với mục đích thúc đẩy việc trao quyền cho trẻ em gái. Plan international- một trong những tổ chức tiên phong về quyền trẻ em gái đã nỗ lực trong việc vận động Liên hợp quốc công nhận, với tôn chỉ nhằm mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả trẻ em gái trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Cùng Plan International thúc đẩy quyền bình đẳng của trẻ em gái! - ảnh 2Đại diện đoàn Plan International Bỉ và lãnh đạo hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tới thăm dự án của Plan International Việt Nam tại KonTum.- Ảnh Plan International

Bà Sharon Kane, Giám đốc Plan International Việt Nam cho biết, từ năm 1993 tổ chức này đã giúp cải thiện đời sống cho 350 nghìn em gái, gia đình và cộng đồng ở hơn 130 xã thuộc 10 tỉnh thành trên cả nước: “Plan International là tổ chức toàn cầu hoạt động ở hơn 65 quốc gia, có chung sứ mệnh là thúc đẩy quyền bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em gái. Tại Việt Nam, chúng tôi đang tiếp tục triển khai các chương trình, dự án tại các tỉnh phía Bắc là Hà Nội, Hà Giang, Lai Châu và Quảng Bình, Quảng trị, Kon Tum. Mục tiêu của chúng tôi là giúp đỡ trẻ em bị thiệt thòi đặc biệt là trẻ em gái cũng như cụ thể là tính đại diện của cả em trai và em gái trong mọi mặt lĩnh vực đời sống ảnh hưởng đến các em”

Hưởng ứng ngày quốc tế Trẻ em gái 11/10 năm nay, Plan tiếp tục thực hiện hành trình thường niên “Trao quyền cho trẻ em gái nắm giữ vai trò lãnh đạo” nghĩa là trao cho các em gái cơ hội trải nghiệm 1 ngày làm việc của một nhà lãnh đạo trong mọi lĩnh vực từ truyền thông, giải trí, kinh tế đến chính trị để thể hiện khát khao được bình đẳng, được nói lên suy nghĩ và được hành động.

Theo bà Sharon Kane cho biết, từ năm 2016, Plan international Việt Nam thực hiện hơn 520 trao quyền cho trẻ em gái từ cấp xã đến quốc gia: “Ý nghĩa của hoạt động trao quyền là để các em gái được trải nghiệm vai trò lãnh đạo, dẫn dắt và hoạt động này diễn ra dưới cấp độ trong mọi mặt cuộc sống. Có em thì được đảm nhận vị trí chủ tịch xã, chủ tịch huyện, hay hiệu trưởng. Ở một số nước, có em  được làm Thủ tướng. Thông qua hoạt động "GirlsTakeover", Plan International  muốn tạo được phong trào, lan tỏa cảm hứng để các em gái tự tin nắm giữ vai trò lãnh đạo, tự quyết định và tự tin làm chủ cuộc sống.”

Cùng Plan International thúc đẩy quyền bình đẳng của trẻ em gái! - ảnh 3Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Anne Mawe trao quyền Đại sứ trong 1 ngày cho Phương Anh, sinh viên Đại học sư phạm năm thứ 2.

Trong hành trình “GirlsTakeover” tại Hà Nội năm nay, cô sinh viên Đại học sư phạm năm thứ 2 Phương Anh may mắn được bà đại sứ Thụy Điển Anne Mawe trao quyền trong 1 ngày.

Trong vai trò lãnh đạo, Phương Anh chia sẻ suy nghĩ về phụ nữ và trẻ em gái: “Nếu như con gái ở thành phố cũng phải đối mặt không ít định kiến thì với các bạn gái dân tộc thiểu số ở vùng hẻo lánh thì sao? Nhất là khi cuộc sống ở đó còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, con gái phải nghỉ học kết hôn và có con rất sớm Những chuyện như này vẫn đang diễn ra và em hi vọng mọi người lắng nghe, thấu hiểu và đồng cảm với những suy nghĩ của chúng em. Quyền bình đằng là một nhu cầu thiết yếu.”

Cùng Plan International thúc đẩy quyền bình đẳng của trẻ em gái! - ảnh 4Nhiều hoạt động mà tổ chức phi chính phủ Plan International thực hiện tại Việt Nam nhân ngày quốc tế trẻ em gái 11/10 năm nay- Ảnh Plan International 

Plan International Việt Nam một lần nữa huy động sự tham gia của tất cả mọi người để thực hiện chiến dịch thúc đẩy quyền trẻ em gái. Đặc biệt thông qua dự án “Thành phố an toàn, thân thiện và bình đẳng” cho trẻ em gái, Plan International hi vọng sẽ có thêm không gian công cộng, môi trường học tập cũng như tăng cường sự tham gia ý nghĩa trong việc quản lý đô thị của trẻ em gái. Plan International cam kết cùng hành động đến năm 2021 để 2 triệu trẻ em gái từ 1.875 cộng đồng tại Việt Nam được học tầp, lãnh đạo và phát triển.

“Đã đến lúc chúng ta cần bảo đảm sự hiện diện và tiếng nói của trẻ em gái và phụ nữ trong mọi lĩnh vực và đời sống”, Plan International kêu gọi tất cả cùng hành động để các em có được hưởng đầy đủ quyền lợi mà họ xứng đáng, được tham gia vào các quyết giúp xây dựng một thế hệ Thủ lĩnh trẻ tương lai luôn sẵn sàng tạo nên một sự thay đổi.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu