Chuyển đổi số trong báo chí để phục vụ công chúng tốt hơn

Kim Thanh
Chia sẻ
(VOV5) - Chuyển đổi số là con đường của cả nước và báo chí không nằm ngoài xu thế này, bởi chuyển đổi số là con đường tất yếu của tất cả các cơ quan báo chí nếu không muốn bị “đào thải”:

Triển khai xây dựng nền báo chí Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số, truyền thông thế giới đã và đang là yêu cầu cấp thiết. Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, các cơ quan báo chí đã chủ động và hợp tác để phát triển và phục vụ công chúng tốt hơn.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 
Chuyển đổi số trong báo chí để phục vụ công chúng tốt hơn - ảnh 1Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: VOV

Tính đến ngày 30/11/2021, tại Việt Nam, số lượng cơ quan báo chí có phiên bản điện tử là 259/816. Trong đó, báo và tạp chí thực hiện 2 loại hình in và điện tử là 230; báo chí điện tử độc lập (không có bản in) là 29; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng. Một số cơ quan báo chí đã đi tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata...

Những công nghệ số này đã và đang tạo môi trường báo chí phát triển theo các xu hướng đa nền tảng; Báo chí di động; Báo chí xã hội; Báo chí dữ liệu; Báo chí sáng tạo; Siêu tác phẩm báo chí. Một số cơ quan báo chí khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại như: Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, VnExpress, Zing... Bên cạnh đó, một số báo chí địa phương cũng đã bước đầu có sự thay đổi như: Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, báo Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Tuyên Quang...

Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết: Chuyển đổi số là con đường của cả nước và báo chí không nằm ngoài xu thế này, bởi chuyển đổi số là con đường tất yếu của tất cả các cơ quan báo chí nếu không muốn bị “đào thải”: "Các chuyên gia đã chỉ ra rằng “chuyển đổi số trước, lợi ích sẽ đến sau. Việc của chúng tôi là đề ra những hướng đi. Chúng tôi quán triệt mô hình là cơ quan báo chí công nghệ. Tất nhiên con đường để đến với mục tiêu này khá là dài. Các cơ quan báo chí trên thế giới hiện xây dựng công nghệ rất mạnh để trở thành cơ quan báo chí công nghệ và ngược lại, các Tập đoàn công nghệ sẽ đầu tư vào nội dung để trở thành các tập đoàn công nghệ truyền thông. Bây giờ chúng ta không chỉ chạy theo số lượng người xem mà phải khiến cho họ ngồi lại với sản phẩm của chúng ta lâu hơn”

Chuyển đổi số trong báo chí để phục vụ công chúng tốt hơn - ảnh 2oàn cảnh hội thảo "Chuyển đổi số báo chí Việt Nam-Những vấn đề lý luận và thực tiễn". Ảnh: VOV

Là một đơn vị báo chí có sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong thời gian vừa qua, nhà báo Nguyễn Lê Tân, Giám đốc Trung tâm Nội dung số VTC Now, Đài Truyền hình Kỹ thuật số (VTC), VOV, cho rằng mỗi cơ quan báo chí cần xác định mục tiêu để có bài toán phù hợp với nguồn lực và nhân lực của mỗi đơn vị. Đồng thời, vấn đề quan trọng là thay đổi tư duy, nhận thức của đội ngũ nhà báo, phóng viên:   Đối với những anh em quay phim hay kỹ thuật, khi tôi áp đặt rằng, các anh bỏ chiếc máy quay cồng kềnh và tìm cách nào đó ghi hình bằng điện thoại thông minh hoặc camera IP, thay vì cách cồng kềnh, cũ kỹ nữa. Nhưng tôi nhận được  phản ứng của họ rằng, họ được học bài bản quay phim, tốt nghiệp trường điện ảnh chứ không phải quay bằng điện thoại. Đấy là điều mà khiến tôi suy nghĩ, thay đổi tư duy là cả một quá trình chứ không thể ngay lập tức.

Tại hội thảo "Chuyển đổi số báo chí Việt Nam-Những vấn đề lý luận và thực tiễn" do Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn tổ chức ngày 11/6, tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng nhiều cơ quan báo chí, công ty truyền thông đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững của tờ báo, bước vào một “cuộc đua” mới trong việc áp dụng chuyển đổi số, thay đổi mô hình, cách thức hoạt động: "Bộ Thông tin và Truyền thông trong chương trình thực hiện các chương trình quốc gia về chuyển đổi số nói chung thì có một chương trình đào tạo các kỹ năng số cho công dân Việt Nam, cho các cơ quan, tổ chức. Có một chương trình hướng tới việc đào tạo kỹ năng số cho khoảng 3.000 phóng viên, nhà báo của các cơ quan báo chí, không phải chỉ biết câu chuyện là làm nghề của mình trên không gian số mà còn biết cả góc độ khác, phải tự bảo vệ mình nào mình, bảo vệ như thế nào và làm thế nào để chúng ta hình thành một hệ sinh thái của nội dung số Việt Nam."

Cũng tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng các cơ quan báo chí truyền thông cần được ưu tiên chuyển đổi số trước bởi đây là đơn vị truyền tải thông tin. Cùng với đó, các bộ luật như Luật Báo chí, Luật Viễn thông cũng cần sửa đổi mở rộng nội hàm, việc bảo vệ thông tin cá nhân cần được luật hoá… Ngoài ra, Nhà nước có sự đầu tư cho các cơ quan báo chí chủ lực để luồng thông tin chính thống chiếm lĩnh được thông tin với các mạng xã hội.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu