Chuyển đổi số nhanh, thông minh và “xanh”– điều kiện cần trong bối cảnh mới

Thu Trang VOV1
Chia sẻ
(VOV5) - Chuyển đổi số gắn với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường chưa được quan tâm đúng mức. 

Tại Hà Nội, Báo đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số nhanh hơn – thông minh hơn – xanh hơn” với sự tham gia của đại diện một số doanh nghiệp (DN) trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Theo nhận định của các chuyên gia, chuyển đổi số là thời cơ để Việt Nam (VN) đột phá - trở thành một quốc gia phát triển. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện là vấn đề không hề dễ dàng.

Nghe âm thanh bài tại đây: 
 Theo Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 7 do Google, Temasek và Bain & Company công bố, 2022, kinh tế Internet Việt Nam đạt 23 tỷ USD. Vào năm 2025 con số này có thể là 49 tỷ USD. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cũng khẳng định, năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành công nghệ thông tin, viễn thông đạt khoảng 148 tỷ USD, tỷ trọng kinh tế số đạt 14,26% GDP. Hiện Việt Nam đang hướng đến mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025. Chuyển đổi số là thời cơ để Việt Nam đột phá - trở thành một quốc gia phát triển. Tuy nhiên, chuyển đổi số nhanh, thông minh và xanh hơn là vấn đề không hề dễ dàng.
Chuyển đổi số nhanh, thông minh và “xanh”– điều kiện cần trong bối cảnh mới - ảnh 1Hội thảo “Chuyển đổi số nhanh hơn – thông minh hơn – xanh hơn”. Ảnh: VGP/HM

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh: "Đối với các doanh nghiệp khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu thì các DN sẽ phải tăng cường tuân thủ các cam kết về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh VN đã ký kết như CPTPP, EVFTA. Trong quá trình xây dựng các chiến lược, Bộ KHĐT luôn phối hợp với các bộ, ngành chức năng lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0, chuyển  đổi số vào các quan điểm, mục tiêu, giải pháp nhằm thúc đẩy, đổi mới mô hình tăng trưởng.Bộ đã chủ động ban hành và triển khai chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số 2021-2025, thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi. Đây là sức ép, cũng là thách thức lớn cho các Doanh nghiệp VN để được thị trường quốc tế chấp nhận.

Trên tinh thần đó, các đại biểu tham dự diễn đàn tập trung phân tích chặng đường chuyển đổi số hậu Covid-19, tìm hiểu những mô hình chuyển đổi số trong các lĩnh vực sản xuất, ngân hàng và thương mại điện tử, tầm quan trọng của 5G đối với giai đoạn kinh tế mới. Với lộ trình phát triển 5G tại Việt Nam, ông Ngô Diên Hy - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ thông tin VNPT thông tin:

"Chúng tôi đã thử nghiệm về mặt công nghệ cuối năm 2019, cuối năm 2020 thực hiện thương mại. Sau khi đấu giá băng tần xong thì triển khai 5G trong năm 2023 nhưng ở 1 mức độ và quy mô dần dần tiếp cận thị trường, vì đồng tốc phải ở cả 3 vấn đề là từ nhà cung cấp dịch vụ, đối tượng người dùng và các DN. Phải cả 3 đối tượng đấy. Đặc biệt, thiết bị đầu cuối 5G là vấn đề hết sức quan trọng nên cần có sự phối kết hợp, lúc đó 5G mới có cơ hội bùng nổ."

Đặt vấn đề, bên cạnh chuyển đổi số, phát triển bền vững là một xu thế bắt buộc - tất yếu. Đây là đòi hỏi từ thực tiễn và vì tương lai của bất cứ quốc gia nào, Việt Nam không là ngoại lệ. Vậy từ doanh nghiệp đến cấp quốc gia cần triển khai như thế nào là phù hợp? Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào cho rằng:

"Khi mà đưa đất nước phát triển và trở nên thịnh vượng, phải xây dựng nhiều công trình, cầu cống, đường sá hơn để thu hút đầu tư, nhưng đó cũng là 1 vấn đề đang tác động tới môi trường. Nhưng trong tương lai với nền kinh tế số, dựa trên các hạ tầng số thay vì hạ tầng quản lý, chúng ta có thể tách biệt phát triển kinh tế với những điều tác động tới môi trường, và nâng cao năng suất lao động mà giảm được phát thải khí nhà kính. Chúng ta đã thấy điều đó trong giai đoạn Covid. Và từ nay đến 2045 chúng ta cũng có thể làm được điều đó"

Đại diện tập đoàn hàng đầu về thực phẩm và đồ uống, ông Urs KLOETI, Giám đốc nhà máy Nestlé Bông Sen chia sẻ kinh nghiệm: “coi trọng nguồn nhân lực, đó phải là nhân lực chất lượng cao và thực sự hiểu biết về công nghệ để việc quản lý và sử dụng, vận hành bộ máy linh hoạt hơn, nhanh nhạy và tinh hơn, xanh hơn. Tiếp cận cơ hội Chuyển đổi số với chiến lược lựa chọn công nghệ thay vì chạy theo công nghệ là chương trình hành động của các doanh nghiệp này.  Đây cũng là lí do nhiều năm liền Nestlé được bình chọn là doanh nghiệp bền vững nhất Việt Nam, do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI xét chọn. Ông Bryan Carroll - CEO Ngân hàng thuần số TNEX đồng thuận quan điểm này: "Quan trọng nhất, là một ngành công nghiệp thì cần đào tạo con người vì không ….đều phải coi trọng yếu tố con người"

Tại diễn đàn, các chuyên gia khẳng định, chuyển đổi số gắn với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Ước tính, ngành công nghệ thông tin và truyền thông chiếm khoảng 5-9% tổng lượng điện năng tiêu thụ toàn cầu và khoảng 3% lượng khí thải. Nhu cầu tiêu thụ năng lượng của ngành ngày càng tăng cùng với số lượng thiết bị, hệ thống mạng, các trung tâm dữ liệu, các tài sản số hóa. Đây là thách thức vô cùng lớn với Việt Nam trong nỗ lực chuyển đổi nhanh-thông minh và xanh hơn.

Các chuyên gia, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành nhanh chóng hoàn thiện hệ thống luật pháp theo yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế số phù hợp quốc tế, thậm chí nên tính đến phương án thí điểm xây dựng những “khu kinh tế số” để thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp kinh tế số gắn với xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam…

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu