Ngày 17/10, Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quốc gia và quốc tế về xây dựng chương trình giáo dục mầm non”. Chương trình giáo dục mầm non được thực hiện trên toàn quốc từ năm 2009.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Khôi Nguyên/ VOV2 |
Hơn 10 năm qua, quá trình triển khai chương trình giáo dục mầm non đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho giáo dục phổ thông đạt được những kết quả tốt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, đòi hỏi xây dựng chương trình mầm non mới với những đòi hỏi cao hơn, xa hơn của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, quan điểm và định hướng xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới thể hiện rõ nét hơn quan điểm tiếp cận phát triển phẩm chất năng lực trẻ em.
Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Vinh, Trưởng ban biên soạn Chương trình giáo dục mầm non, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, khẳng định: "Mục tiêu của chương trình là chúng ta giúp trẻ phát triển một cách toàn diện về cả các khía cạnh thể chất, tình cảm, trí tuệ và thẩm mỹ. Hình thành cho trẻ các năng lực, phẩm chất mang tính nền tảng, đảm bảo cơ bản cho tất cả trẻ có được những năng lực, phẩm chất mang tính nền tảng phù hợp với lứa tuổi của các con, phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ mầm non nhưng cũng khơi dậy phát triển tối đa năng lực của mỗi cá nhân và cuối cùng chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1, tạo cơ sở cho sự thành công cho quá trình học tập tiếp theo và học tập suốt đời của trẻ".
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Khôi Nguyên/ VOV2 |
Ba điểm nổi bật của Chương trình giáo dục mầm non mới so với chương trình hiện hành chính là: Xây dựng chương trình tiếp cận năng lực; Có tính liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Trao quyền mạnh hơn cho địa phương trong việc thực hiện chương trình.