Chất lượng lao động tác động rất lớn đến phát triển kinh tế, xã hội

Chia sẻ
(VOV5) - Hiện Việt Nam có 15.000 giáo sư Phó giáo sư và trên 25.000 tiến sĩ và rất nhiều người giáo sư của Việt Nam đã có danh tiếng trên thế giới. 

Sáng nay (27/11), tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).  

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), các đại biểu thống nhất cao việc sửa đổi Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới.

Chất lượng lao động tác động rất lớn đến phát triển kinh tế, xã hội - ảnh 1Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

Trong đó, dự thảo luật bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề theo hướng quy định khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia, hỗ trợ hoạt động đào tạo, nâng cao trình độ phát triển kỹ năng nghề cho người lao động trong thời kỳ hội nhập của đất nước. Nhấn mạnh chất lượng lao động tác động rất lớn đến phát triển kinh tế, xã hội, bà Trần Thị Thanh Lam, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, cho rằng: "Nhiều tổ chức quốc tế cho rằng kỹ năng nghề sẽ là đơn vị tiền tệ quốc tế mới trong thị trường lao động tương lai, bởi đó đem lại năng lực cạnh tranh tốt hơn. Trong bối cảnh hiện nay, lực lượng lao động có kỹ năng sẽ có ảnh hưởng quyết định tới năng suất lao động. Nếu là đơn vị tiền tệ thì đều có mệnh giá. Vậy tôi cho rằng cần xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề theo thứ bậc".

Quan tâm đến đội ngũ lao động là người cao tuổi có trình độ cao, ông Trương Xuân Cừ, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề xuất: "Hiện, chúng ta có 15.000 giáo sư Phó giáo sư và trên 25.000 tiến sĩ và rất nhiều người giáo sư của Việt Nam đã có danh tiếng trên thế giới. Tôi cho rằng ở kỷ nguyên mới, chúng ta không thể chỉ mỗi xuất khẩu lao động, mà cần quan tâm phát huy năng lực của các chuyên gia này bởi vì đây cũng là vị thế, danh tiếng của đất nước, mang lại thu nhập cho đất nước".

Trước đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật phòng không nhân dân, Luật Công đoàn (sửa đổi), và biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu