Với ý chí và nghị lực phi thường, cô gái trẻ người dân tộc Dao, Chảo Thị Yến ở thôn Ngám Xá, xã Nậm Chạc (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), đã tự thay đổi cuộc đời. Say mê học tập và một hành trình đầy gian nan và thử thách, để rồi dành được phần thưởng cao quý là học bổng toàn phần danh giá của Liên minh châu Âu. Yến đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ người dân tôc Dao nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Khó khăn, vất vả cùng những gì đã chứng kiến trong cuộc sống nơi vùng cao đã cho Chảo Thị Yến một động lực, cùng quyết tâm là phải học, học để có cơ hội thay đổi tất cả.
Chảo Thị Yến cho biết: "Trên em chưa có đường, cũng chưa có điện, không có tivi, nói chung không có một cái gì cả, những năm mất mùa phải ăn sắn thay cơm, cũng có khi phải đi đào củ mài để ăn, thầy giáo của em nói với nhiều bạn nếu không cố gắng đi học cuộc sống sẽ mãi vất vả như thế, các chị học dưới huyện hay nói là ở dưới kia được ăn cá khô, ăn đậu, ăn trứng …sau này phải đi học để có cuộc sống tốt hơn, từ lời thầy cô em phải đi học.
Chảo Thị Yến. Ảnh thanhnienonline |
Bốn tuổi, Yến được đi học, mà cả xã chỉ có duy nhất một điểm trường học cách nhà hơn 2km. Cũng bắt đầu từ đây, Yến đã được đến trường, biết đến thầy cô và bạn bè, thế nhưng học hết lớp 9, Yến phải nghỉ học, bởi gia đình quá khó khăn, em phải nghỉ học để phụ giúp cha mẹ việc nương rẫy… Nghỉ học có lẽ là nỗi buồn lớn nhất với em lúc bấy giờ, mặc dù nghỉ nhưng những câu nói của các thầy cô luôn vang vọng trong suy nghĩ của Yến, phải học, phải quyết tâm để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
"Em nghỉ một năm và thuyết phục bố mẹ cho ôn thi lại, đến khi thi cấp 3 thì bố mẹ không cho đi nữa. Vì mọi người bảo con gái đi học làm gì, nhiều người nói bố mẹ em cũng bị tác động." Yến chia sẻ,
Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhiều lúc Yến cũng định từ bỏ, nhưng nghĩ lại Yến lại quyết tâm hơn và thành quả Yến là người đứng đầu lớp 10 về thành tích học tập.
"Năm lớp 11 có một bạn nói em là đừng tự hào nghèo mà học giỏi mà hãy tự hỏi tại sao học giỏi mà vẫn nghèo, câu nói của bạn ấy thì lúc ấy em càng quyết tâm hơn, học xong cấp 3 em phải đi học đại học để chứng minh để em có thể làm giàu, lúc ấy cũng bị tổn thương ấy ạ. Sau này nhìn lại thì thấy bạn ấy nói đúng, câu nói đó làm thay đổi con người, quyết tâm, nếu không có câu nói đó em lại không có quyết tâm mạnh mẽ đến thế để tiếp tục con đường mà em chọn."
Chảo Thị Yến, cô gái tài năng dân tộc Dao. Ảnh VT |
Chảo Thị Yến đậu trường Đại học Lâm Nghiệp tại Hà Nội, nhưng con đường mà Chảo Yến đi cũng chẳng hề đơn giản, và để chạm tới thành công Yến đã nỗ lực không ngừng nghỉ. Những năm đầu đại học, với một suy nghĩ, sẽ phải học ngành nào mà khi ra trường phải dễ xin việc, vì Yến biết bố mẹ em sẽ không thể lo nổi cho con. Đến cuối năm thứ nhất, Yến được thầy cô giới thiệu chương trình tiên tiến ngành quản lý tài nguyên thiên nhiên học toàn bộ bằng tiếng Anh, nhiều thời điểm gần như Yến muốn bỏ cuộc vì không hiểu tiếng Anh, cũng may nhờ sự trợ giúp của một tình nguyện viên nữ người Đức gốc Việt sang trường hướng dẫn học tiếng Anh cho sinh viên, khả năng tiếng Anh của Yến dần cải thiện.
Năm 2014, Yến tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi. Cô tiếp tục nuôi ước mơ lớn hơn: Đi du học. Vậy là vừa đi làm, Yến vừa chuẩn bị hồ sơ xin học bổng Erasmus Mundus (chương trình học bổng toàn phần danh giá của Liên minh châu Âu) để học thạc sĩ ngành quản lý tài nguyên rừng bền vững, đúng với ước mơ bảo vệ rừng của mình. Ngày 8/3/2016, Yến nhận được thông báo trúng tuyển và nhận được học bổng 47.000 euro cho toàn khóa học tại hai nơi: Đại học Gottingen (Đức) và Đại học Padova (Italy).
"Rất bất ngờ, mặc dù em đã dành rất nhiều tâm sức, em không nghĩ ngày ấy đến nhanh như thế. Du học đã thay đổi tư duy của em là nhiều nhất, trước đây em muốn đi học là để thoát nghèo có cơm ăn, áo mặc, còn bây giờ em ước muốn là phải có kinh tế vững, thì lúc mọi người khó khăn em mới có thể giúp được."
Hơn ai hết, người hạnh phúc nhất trong gia đình là bố mẹ của Chảo Thị Yến. Ông Chảo Kim Sơn, bố Chảo Thị Yến, cho biết: "Nó là con gái bà con cũng xì xào, con gái cho đi học làm gì, học cao sau này đi nhà chồng có giúp mình đâu, cho ở nhà lấy chồng, học có giúp gì mày đâu,mất tiền nuôi học ấy. Bây giờ thay đổi rồi từ cái Yến học được giờ ai ai cũng cho con đi học đều mà, ai cũng mong học được như Yến, gái trai không phân biệt nữa"
Giờ, cô sinh viên trường Đại học lâm nghiệp ngày nào đã trở thành một chuyên gia làm việc cho một tổ chức phi chính phủ cũng chuyên về tài nguyên rừng. Công việc hiện tại giúp Chảo Thị Yến có thể chăm lo cho cuộc sống của bố mẹ.
Mới đây, Chảo Thị Yến đã cho ra mắt cuốn tự truyện “Đường ngược chiều từ bản người Dao đến học bổng Erasmus”. Đây là một cuốn sách nói về cuộc sống của Chảo Yến từ nhỏ khi bước chân vào cánh cửa trường Đại học, đến giấc mơ du học và rồi đạt học bổng toàn phần của liên minh Châu Âu. Với Chảo Yến, “Đường ngược chiều” chính là con đường của số phận, bởi cái gì cũng đi ngược lại với cô, để rồi cô đã vượt qua nó một cách diệu kỳ.