Bếp cơm di động dã chiến: kết nối tinh thần của tuổi trẻ hướng về vùng lũ

Hân My
Chia sẻ
(VOV5) - Mô hình Bếp cơm di động dã chiến  được vận hành bởi Cộng đồng tình nguyện Việt Nam đã hỗ trợ cho bà con những vùng bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai.

Với tinh thần sẻ chia, đùm bọc, nhiều mô hình hay, nhiều tấm lòng nhân ái đã xuất hiện trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Mô hình Bếp cơm di động dã chiến  được vận hành bởi Cộng đồng tình nguyện Việt Nam đã hỗ trợ cho bà con những vùng bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai ở miền bắc cũng như động viên tinh thần cho các lực lượng làm nhiệm vụ cứu hộ.

Nghe âm thanh tại đây:
Những ngày giữa tháng 9, sau khi cơn bão Yagi đi qua gây ngập lụt cho các tỉnh phía bắc, những hoạt động cứu trợ bắt đầu, những Bếp cơm di động dã chiến đã đỏ lửa. Khi biết tin thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, của tỉnh Yên Bái bị ngập sâu, nhiều căn nhà chìm trong nước, nhiều gia đình đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cần trợ giúp, các thành viên của Cộng đồng tình nguyện Việt Nam đã nhận nhiệm vụ lên đường.
Bếp cơm di động dã chiến: kết nối tinh thần của tuổi trẻ hướng về vùng lũ - ảnh 1

Anh Khương Tiến Dũng, Trưởng Ban thiện nguyện  Bất động sản Sen Hồng Land Group, phó Ban đối ngoại cộng đồng tình nguyện Việt Nam, phụ trách bếp Yên Bái cho biết: "Năm nay, khi xảy ra lũ lụt, mới hình thành bếp cơm dã chiến mang tính cơ động ,tuyển những người có khả năng nấu ăn, những người thiện tâm, các em học sinh, sinh viên có thể hỗ trợ bếp. Đặc thù riêng của mỗi bếp như vậy, địa phương hỗ trợ thì anh em điều bếp đến và mang thực phẩm đi. Mỗi ngày phục vụ 400 suất cơm cho bà con và các lực lượng đang đi dọn dẹp, với 16 tình nguyện viên chính thức đứng bếp mang đi các điểm. Khó khăn là thực phẩm phải chuẩn bị từ xa, và rau củ quả, thuận lợi được chính quyền địa phương hỗ trợ ."

Bếp cơm di động dã chiến: kết nối tinh thần của tuổi trẻ hướng về vùng lũ - ảnh 2Ủng hộ cho bếp cơm di dộng dã chiến

Khắc phục rất nhiều khó khăn trong việc vận hành bếp, với mong muốn làm sao đưa được những suất cơm tới đồng bào vùng lũ miền bắc là tâm nguyện của mỗi thành viên của cộng đồng tình nguyện Việt Nam.

Bếp cơm di động dã chiến: kết nối tinh thần của tuổi trẻ hướng về vùng lũ - ảnh 3Bữa ăn của các tình nguyện viên

Rất nhiều chuyến xe, nhiều tấm lòng ở miền  Trung, miền nam hướng ra miền bắc, trong đó có cả những tình nguyện viên cao tuổi. Anh Nguyễn Ngọc Tú, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiện nguyện trái tim thiên thần Đà Nẵng chia sẻ: thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn khi thiên tai xảy ra, nên anh sẵn sàng nhận nhiệm vụ phụ trách bếp di động dã chiến tại Lào  Cai: "Khó khăn lớn nhất là vận chuyển đồ dùng cũng như chuẩn bị thực phẩm từ Đà Nẵng ra miền Bắc và lên tới khu vực vận hành bếp:Chúng em phải gửi bếp hoặc dụng cụ nấu bếp gửi theo hình thức ghép các xe, di chuyển ba đường từ Đà Nẵng về Hải Dương, rồi bốc xuống. Từ Hải Dương lên đến Lào Cai, rồi từ Lào Cai lên xã Nậm Lúc. Về thực phẩm, nguồn lương thực, thực phẩm kêu gọi từ Đà Nẵng. Chúng em lập ra  đầu cầu các điểm, tiếp nhận nhu yếu phẩm, lương thưc thực phẩm. Sau đó, xe bán tải thu gom, tập kết lại 1 điểm rồi đóng hàng, đặc biệt thực phẩm tươi sống phải đảm bảo đông lạnh."

Bếp cơm di động dã chiến: kết nối tinh thần của tuổi trẻ hướng về vùng lũ - ảnh 4Tình nguyện viên chuẩn bị các suất cơm

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, vượt qua khó khăn, với sự trợ giúp của chính quyền các địa phương, chỉ trong vòng 15 ngày, hệ thống Bếp cơm di động dã chiến do Cộng đồng tình nguyện Việt Nam vận hành đã có mặt ở 5 tỉnh, thành gồm Lào Cai, Yên Bái, Bắc Cạn, Hà Nội, Hà Giang, với 7 điểm vận hành. Đến nay, Bếp đã cung cấp 52.500 suất cơm cho vùng lũ. Dự án nhận được sự ủng hộ to lớn với hơn 1 tỷ đồng gồm tiền mặt và nhu yếu phẩm, góp phần đảm bảo cho bếp hoạt động liên tục và hiệu quả. Qua đó, đã kết nối 9 câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện trên toàn quốc với hơn 300 lượt tình nguyện viên tham gia.

Bếp cơm di động dã chiến: kết nối tinh thần của tuổi trẻ hướng về vùng lũ - ảnh 5

Không chỉ ở các địa phương, ngay tại Hà Nội, nơi bị ngập sâu như ở huyện Chương Mỹ, Bếp ăn dã chiến di động hoạt động liên tục. Chị Hoàng Thúy Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa sen Hà Nội cho biết, "mặc dù ở thủ đô, có nhiều thuận lợi hơn các tỉnh xa,  nhưng khó khăn cũng không nhỏ khi vận chuyển đồ ăn vào các vùng bị ngập. Hiện giờ, bếp vẫn đang tiếp tục hoạt động vì nhiều nơi nước chưa rút:Từ bếp đi vào các khu vực từ 15 đến 18 km, khu vực xa nhất 35 km. Từ bếp đi thì di chuyển bằng ô tô, sau khi đến đó thì bà con sẽ chuẩn bị xuồng, thuyền máy chở mình đi. Hoặc những gia đình nào có xuồng thì sẽ tự ra lấy cơm. Hiện có 10 tình nguyện viên, từ miền Trung và miền Nam ra giúp."

Bếp cơm di động dã chiến: kết nối tinh thần của tuổi trẻ hướng về vùng lũ - ảnh 6Các mạnh thường quân ủng hộ tủ bếp cho Bếp cơm di động dã chiến
 
Điều quan trọng là khi Bếp ăn di động dã chiến được thành lập, đã giúp các tình nguyện viên từ khắp nơi trên cả nước kết nối nhau thành một khối, cùng môt mục tiêu chung góp sức vì cộng đồng. Đúng như chị Lê Bích Hường, Phó Chủ tịch Cộng đồng tình nguyện Việt Nam cho biết: "Khi bước chân vào hệ thống Bếp dã chiến, các tình nguyện viên làm việc hết mình. 4 5 h sáng phải dậy lo bữa sáng cho bà con, phát xong bữa sáng lại chuẩn bị thực phẩm cho bữa trưa. 2 3 h chiều mới được nghỉ ăn, ăn sơ thì lại chuẩn bị cho bữa tối. Và đến 9 10 giờ tối sau khi xong nhiệm vụ, tắm giặt mới được ăn bữa tối. Tinh thần đoàn kết rất cao, tương thân tương ái."
Bếp cơm di động dã chiến: kết nối tinh thần của tuổi trẻ hướng về vùng lũ - ảnh 7

Những việc làm tử tế, những hành động sẻ chia mà các thành viên của Cộng đồng tình nguyện Việt Nam luôn tâm niệm rất đơn giản đang tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng:

"Không biết nói thế nào, chỉ thấy ở đâu khó khăn, càng khó, mình càng mong muốn mang được tấm lòng đến với bà con…."

"Không suy nghĩ gì nhiều chỉ muốn mang được lợi ích đến cho bà con…"

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu