Báo chí Việt Nam với cách mạng công nghiệp 4.0

Chia sẻ
(VOV5) -Ở Việt Nam có gần 850 cơ quan báo chí, hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ và hơn 22 nghìn hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0) đã tác động mạnh mẽ tới nền báo chí truyền thông của từng quốc gia. Báo chí Việt Nam đang bước vào thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và trong cuộc cách mạng này, các cơ quan báo chí cùng các nhà báo cần phải làm chủ công nghệ để đưa đến bạn đọc các tác phẩm báo chí của mình thông qua môi trường mạng.

Ở Việt Nam có gần 850 cơ quan báo chí, hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ và hơn 22 nghìn hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Báo chí Việt Nam với cách mạng công nghiệp 4.0 - ảnh 1Các nhà báo tác nghiệp tại Nhà giàn DK1 tháng 4-2018. Ảnh: Bá Hoạt 

 Với cách mạng công nghiệp 4.0, cách thức làm báo đã thay đổi nhanh chóng. Nhà báo có thể làm việc mọi nơi, mọi lúc với máy tính xách tay có kết nối Internet, máy ảnh số, máy quay video kỹ thuật số… Còn bạn đọc cũng đọc báo mọi nơi, mọi lúc bằng điện thoại thông minh của mình. Công chúng không chỉ chủ động lựa chọn thông tin, quyết định thông tin mình muốn tiếp cận mà còn chủ động tham gia vào quá trình truyền thông và góp phần tạo nên thông điệp cho quá trình truyền thông đó. Sự bùng nổ của mạng xã hội như Facebook, Youtube... khiến các cơ quan chức năng khó kiểm soát thông tin, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống xã hội.

Nhà báo Nguyễn Bá, Phó Tổng biên tập báo điện tử Infonet, cho rằng: “Vấn đề liên quan đến an toàn và bảo mật thông tin chung thì nhà báo cũng như tất cả những người sử dụng internet và hoạt động trên môi trường số đều bị nguy cơ tấn công để lấy cắp thông tin, xâm nhập tài khoản. Hai nữa là nhà báo dễ dàng nhầm lẫn trong việc share hoặc là đóng các tin dạng fake, tin giả nếu mà không có kiểm chứng rõ, dễ dàng bị lập những tài khoản giả mạo để phát tán những tin fake rất nguy hiểm. Nhà báo khi sử dụng mạng xã hội thì rất dễ dàng bị người ta tấn công”.

Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi ở các nhà báo ngoài kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ của mình còn phải biết sử dụng các thiết bị kỹ thuật số, thiết kế web và thậm chí cả lập trình… Tuy nhiên, dù là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng cốt lõi của báo chí vẫn là tư duy. Thay vì chạy theo công nghệ, báo chí Việt Nam nên tìm hiểu sâu hơn về cách chọn vấn đề truyền tải, công cụ truyền tải, cách tiếp cận thông tin và chọn lọc thông tin để đưa đến công chúng. Với mọi nhà báo, quan trọng nhất vẫn là nền tảng kiến thức và đạo đức nghề nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:“Báo chí cần chú trọng tuyên truyền về mặt tốt, mặt tích cực, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiê n tiến, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nuớc gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tạo niềm tin, sự phấn khởi, lạc quan trong xã hội, tạo động lực tinh thần thúc đẩy công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước ngày càng tốt đẹp hơn”.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động trực tiếp đến sự sinh tồn của các phương tiện truyền thông truyền thống, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ năng tác nghiệp của nhà báo. Các cơ quan báo chí và quản lý báo chí ở Việt Nam cần tận dụng tốt ưu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, có những bước đi phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu