Ánh mắt ấm lòng người bệnh

Lưu Hường
Chia sẻ
(VOV5) - Đối với người bệnh, yếu tố tâm lý đóng vai trò hết sức quan trọng trong hành trình gian nan chiến đấu với bệnh tật. Đôi khi chỉ cần ánh mắt, cử chỉ hay lời nói động viên của những “từ mẫu” cũng làm ấm lòng người bệnh.

(VOV5) Đối với người bệnh, yếu tố tâm lý đóng vai trò hết sức quan trọng trong hành trình gian nan chiến đấu với bệnh tật. Đôi khi chỉ cần ánh mắt, cử chỉ hay lời nói động viên của những “từ mẫu” cũng làm ấm lòng người bệnh.


Ánh mắt ấm lòng người bệnh - ảnh 1
PGS Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội tiết ZZTrung ương đang khám cho bệnh nhân


Sự thân thiện xoa dịu nỗi đau

Cách đây không lâu, chị Trần Thị Bích Liên (56 tuổi ở Hà Nội) trông mẹ truyền dịch trong Bệnh viện Việt Đức. Trong lúc chờ đợi, nghe một điều dưỡng nói rất nhẹ nhàng với bệnh nhân “chai nước của bạn già nào đây?”. Chị nhìn sang mới biết cô y tá gọi bà cụ 92 tuổi. Nghe họ trêu nhau vui vẻ, chị Liên cảm thấy vui lây. Bản thân chị đang điều trị ung thư vú hơn 2 năm ở Bệnh viện K (cơ sở 3) cũng được đón nhận những cử chỉ ân cần mỗi khi tiêm hay truyền thuốc. “Giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, giữa những cơn đau của truyền hoá chất, chỉ cần lời động viên chia sẻ của cán bộ y tế cũng làm vơi đi nỗi lo sợ trong tôi rất nhiều”, chị Bích Liên chia sẻ.

Còn bà Bùi Thị Kim Tuyến (73 tuổi ở Ân Thi, Hưng Yên) cũng thật sự hài lòng suốt 3 tháng điều trị ung thư tử cung ở Bệnh viện K (cơ sở 1) khi đội ngũ y bác sĩ ai cũng quan tâm ân cần, thậm chí chưa một lần bà thấy hình ảnh xách nhiễu hay vòi vĩnh. “Tôi được bác sĩ Vân Anh điều trị tử cung. Bác ấy tận tình lắm, luôn ân cần hỏi han mỗi lần đau đớn khi tiêm hay truyền thuốc”, bà Kim Tuyến cho biết.

Bế con gái xinh xắn trên tay, chị Thu Phương (Hà Nội) cười ngượng nghịu nhớ lại lần vượt cạn cách đây 6 tháng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. “Trong lúc cơn đau dồn chuyển dạ, tôi được y tá dìu lên bàn mổ. Thấy tôi kêu la, túm được ai là cào cấu, bác sĩ đã nắm chặt tay tôi, cười bảo “em ơi, chị biết rồi, cứ bình tĩnh đi, chuẩn bị được làm mẹ rồi”, khiến tôi vững tin hơn”, chị Thu Phương kể mà ánh mắt vẫn ánh lên sự xúc động.

Với người bệnh nói chung và đặc biệt người mắc ung thư, yếu tố tâm lý đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị. Họ sợ nhất thái độ lạnh lùng của đội ngũ y bác sĩ. Đau ít hay nhiều, bệnh nặng hay nhẹ, với sự đón tiếp và hành xử thân thiện cho dù chỉ là một ánh mắt hay một nụ cười ân cần từ phía cán bộ y bác sĩ, cũng khiến người bệnh thêm vững tâm.

Trả lời về việc thực hiện giao tiếp ứng xử ở bệnh viện, PGS.TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, chúng tôi quán triệt tới đội ngũ cán bộ y tế, xác định ngay từ đầu đối tượng phục vụ của bệnh viện là toàn phái yếu, nên thái độ cần tươi vui, thân thiện, đôi khi phải biết cách tấu hài hợp từng đối tượng. Chẳng hạn, với sản phụ lúc chuyển dạ, cán bộ y tế phải biết cách động viên và có cái nhìn chia sẻ, thấu hiểu thì sản phụ cảm thấy ấm lòng để vượt cạn, giúp mẹ tròn con vuông. Nếu có thái độ không hài lòng, người bệnh có thể gọi đường dây nóng thẳng đến Bộ Y tế. Chúng tôi có bộ phận tiếp nhận thông tin từ đường dây nóng, và có hình thức kỷ luật thích đáng.



Ánh mắt ấm lòng người bệnh - ảnh 2
PGS.TS. Nguyễn Tài Sơn Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình – Bệnh viện TƯQĐ 108 thăm bệnh nhân

Cán bộ y tế nở nụ cười có khó?

Năm 2016, một trong những điểm sáng của ngành y tế được người dân ghi nhận đó là “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Một trong những nội dung về đổi mới là sự “niềm nở, tận tình, chu đáo”. Nhưng trên thực tế, cũng có nơi làm tốt trong khi đâu đó vẫn còn tồn tại cách hành xử chưa đẹp khiến người bệnh chưa thực sự hài lòng.
PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, với bệnh nhân ung thư thái độ chăm sóc ứng xử của cán bộ y tế, đặc biệt là bác sĩ điều trị và y tá điều dưỡng rất quan trọng bởi tâm lý họ rất nặng nề. Người thầy thuốc phải biết trấn an và xoá đi quan niệm cũ trước đây của người bệnh - ung thư là vô phương cứu chữa. Bình thường để làm hài lòng người bệnh đã khó rồi, đối với bệnh nhân ung thư có lẽ còn khó hơn rất nhiều. Khi người bệnh tâm lý vững, phác đồ điều trị tới nơi tới chốn, giúp người bệnh có thể trạng tốt, đương nhiên kết quả điều trị tốt hơn nhiều. Sau khi Bộ Y tế phát động “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, chúng tôi ra bộ quy tắc thưởng phạt nghiêm minh nếu vi phạm quy chế. Bên cạnh đó, còn liên tục các lớp tập huấn về quy tắc ứng xử. Đặc biệt còn mời các chuyên gia tâm lý về hướng dẫn cán bộ y tế cách chăm sóc người bệnh. Nếu như năm 2016, trong 1 ngày, Bệnh viện K (cả 3 cơ sở) tiếp nhận qua đường dây nóng có khi tới 5 - 10 cuộc điện thoại phản ánh về thái độ cư xử của cán bộ y tế thì đến nay, hầu như không còn nữa. Khi Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đến thăm cơ sở 3, thấy cảnh người bệnh và người nhà phải nằm ở hành lang, Bộ trưởng cùng chúng tôi đã kêu gọi các nhà từ thiện, xây thêm một khu nhà theo hình thức lắp ghép làm nơi lưu trú cho người nhà bệnh nhân và bệnh nhân tại cơ sở 3. Khu nhà lắp ghép 240 giường được đưa vào sử dụng đúng dịp Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/2017).

Còn PGS.TS Lê Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho rằng, trong quan hệ bình thường, con người cũng phải cư xử với nhau một cách thân thiện chứ không phải nói riêng ngành y tế. Với người bệnh, càng cần có sự đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ. Khi có giao tiếp tốt, không những lợi cho người bệnh, mà còn giúp việc phối hợp với bác sĩ tốt hơn, đem lại hiệu quả điều trị cao hơn. Cán bộ y tế không thể lấy lý do áp lực công việc, hay viện lý do nào khác để thanh minh cho hành vi đối xử thiếu văn hoá, gây phản cảm trong ánh mắt người bệnh.

Khi đã vào bệnh viện, người bệnh đặt trọn niềm tin vào bác sĩ. Bởi vậy, hạnh phúc đến với người bệnh đôi khi chỉ giản đơn là ánh mắt và cử chỉ hiền dịu từ những người thầy thuốc được ví như mẹ hiền.

Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh năm 2017, trong thời gian tới Bộ Y tế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ Đề án giảm tải bệnh viện, triển khai thực hiện bệnh viện vệ tinh chuyển giao kỹ thuật cao cho bệnh viện tuyến dưới; đổi mới cơ chế tài chính trong bệnh viện; đề xuất ưu tiên chế độ chính sách cho cán bộ y tế; quan tâm đến công tác tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cán bộ y tế; tiếp tục nâng cấp, tôn tạo, tu sửa, đầu tư cơ sở, vật chất, trang thiết bị hạ tầng cơ sở khám, chữa bệnh…”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu