Những phóng viên VOV đoạt giải Giải Búa liềm vàng lần thứ 2

Hà Giang/VOV.VN
Chia sẻ
(VOV5) - Lần thứ 2, Đài TNVN có các tác phẩm báo chí được trao Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng.

Lần thứ hai có tác phẩm đoạt giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng - là một vinh dự lớn lao với những người làm báo của Đài TNVN.

Những giải thưởng không chỉ là sự đóng góp tâm huyết của những người làm báo vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà là nguồn động lực cổ vũ cho các nhà báo Đài TNVN tiếp tục say mê, tìm tòi, phát hiện chủ đề để cho ra đời những sản phẩm báo chí mang đậm hơi thở cuộc sống, đầy thuyết phục.

Tại Giải Búa liềm vàng lần 2 năm 2017, Đài TNVN vinh dự có 3 tác phẩm được trao giải, gồm 1 giải A, 1 giải B và 1 giải Khuyến khích. 

Những phóng viên VOV đoạt giải Giải Búa liềm vàng lần thứ 2 - ảnh 1
Nhà báo Việt Anh (áo đỏ, ảnh do nhân vật cung cấp)

Chia sẻ về cảm giác khi tác phẩm của mình được trao giải A giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng năm 2017, nhà báo Việt Anh (Hệ Văn hóa-Đời sống-Khoa giáo VOV2 - Đài TNVN) cảm thấy bất ngờ, xen lẫn vinh dự, tự hào. Với chị, đây là dấu ấn thực sự quan trọng, mang ý nghĩa lớn lao trong cuộc đời làm báo của mình.

Phóng sự về ông bí thư thời @

Về nguyên do bị “ông Bí thư thời @” ở Tây Ninh “hút hồn”, nhà báo Việt Anh cho biết, đã từng gặp gỡ và làm việc với ông Trần Hữu Hậu, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh từ những năm 1999-2000.

Khi đó ông Trần Hữu Hậu là Giám đốc Công ty Cơ khí Tây Ninh, đang phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS HCM triển khai dự án xóa cầu khỉ ở các tỉnh ĐBSCL.

Qua trang Facebook của vị Bí thư Thành ủy, nữ nhà báo khá bất ngờ khi thấy ông kết nối với rất nhiều người dân của thành phố.

Hàng ngày họ phản ánh trên Facebook của ông đủ mọi thông tin: từ chuyện đèn đường hỏng, đổ rác thải không đúng nơi quy định, biển báo giao thông chưa phù hợp, những đoạn đường ngập lụt… đến những vấn đề về an ninh trật tự, giáo dục, y tế và xã hội trên địa bàn thành phố.

Chị Việt Anh càng bất ngờ hơn khi chỉ vài giờ đồng hồ hoặc 1, 2 ngày sau đã thấy người viết phản ánh trên Facebook của ông Trần Hữu Hậu đăng lời cảm ơn, thông báo những vấn đề còn tồn tại, bất cập mà họ phản ánh đã được khắc phục và giải quyết kịp thời, triệt để, đương nhiên tùy từng mức độ lớn - nhỏ của vấn đề.

Những phóng viên VOV đoạt giải Giải Búa liềm vàng lần thứ 2 - ảnh 2

Bí thư Thành ủy dùng Facebook để “đối thoại” với dân 

Không chỉ kết nối với người dân thành phố Tây Ninh qua Facebook, ông Trần Hữu Hậu rất tích cực chỉ đạo triển khai áp dụng công nghệ thông tin trong công tác Đảng và Chính quyền của thành phố, như kết hợp và triển khai phần mềm số hoá quản lý địa bàn dân cư; ứng dụng các phần mềm văn phòng điện tử e-office; phần mềm họp không giấy; phần mềm hộ tịch; phần mềm một cửa điện tử, phần mềm tiếp công dân (hay giải quyết khiếu nại, tố cáo), chữ ký số... tại địa phương. 

“Bản thân những việc làm của ông Trần Hữu Hậu đã có ý nghĩa xã hội rất lớn, đó chính là một trong những cách xây dựng Đảng thiết thực và hiệu quả nhất nên tôi không khó để lựa chọn nhân vật, góc tiếp cận cũng như cách thể hiện tác phẩm của mình”, chị Việt Anh tâm sự, công việc duy nhất của chị là đi tìm hiểu, gặp gỡ người dân, cán bộ địa phương… để kiểm chứng và tìm hiểu đa chiều về những thông tin liên quan đến nhân vật.

 

Những phóng viên VOV đoạt giải Giải Búa liềm vàng lần thứ 2 - ảnh 3
Nhà báo Sỹ Đức trong một chuyến công tác ở Trường Sa (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Một trong 8 tác phẩm đoạt giải B Giải Búa liềm vàng lần thứ 2 năm 2017 là loạt bài “Xã Cổ Đô, huyện Ba Vì - bất ổn ở một vùng quê” của nhóm tác giả Sỹ Đức, Sỹ Lý (Ban Thời sự VOV1 - Đài TNVN).

Bức xúc trước những bất ổn, hạn chế trong quá trình xây dựng nông thôn mới không được giải quyết triệt để, các tác giả đã có quá trình thâm nhập thực tế để chỉ rõ sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo xã Cổ Đô – một địa phương giàu truyền thống cách mạng, một điểm sáng về phát triển kinh tế xã hội của nông thôn Hà Nội, dẫn đến nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, công tác dồn điền đổi thửa, dẫn đến tình trạng đơn thư kéo dài phức tạp.

Bài 1: Xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội: Bất ổn một vùng quê 

Nói về “hậu trường” của loạt bài này, tác giả Sỹ Đức chia sẻ quá trình thâm nhập thực tế các anh đã gặp không ít khó khăn khi tiếp cận với lãnh đạo xã bởi cả 5 cán bộ Thường vụ của xã Cổ Đô đều dính sai phạm nên họ đều bao che và đùn đẩy trách nhiệm. Khi ra hiện trường những thửa đất được cho là đất để ngoài bìa đỏ, đất vi phạm lấn chiếm thì bị theo dõi.

Bài 2: Đất công "hô biến" thành đất tư - nguy cơ hiện hữu 

Không bỏ cuộc, các anh dùng cách tiếp cận sức ép từ dân và huyện, khi đã nắm chắc trong tay nhiều tư liệu quý giá, các anh quay lại làm việc với xã. Lúc đầu chỉ tập trung những vấn đề dân phản ánh như đất để ngoài bìa đỏ. Trong quá trình trao đổi, phát hiện những sai phạm trong việc làm sổ đỏ có dấu hiệu trái quy định của pháp luật. Từ những chứng cứ này các anh lên làm việc với huyện Ba Vì.

Sự hợp tác của huyện khi “xin” thời gian để xem xét và nếu đúng như nhà báo phản ánh sẽ xử lý” đã giúp các anh có thêm động lực, niềm tin truyền lửa vào các bài báo.

Người dân Cổ Đô cũng bày tỏ sự đồng tình với cách làm của các nhà báo và gọi điện chia sẻ với tác giả.

Không lâu sau khi hai bài viết của các anh lên sóng. Uỷ ban Kiểm tra của huyện có thông báo kết quả và thừa nhận nội dung các bài báo đã phản ánh đúng thực tế, hai lãnh đạo chủ chốt của xã bị cách chức vì vi phạm quản lý điều hành. Rồi 3 cá nhân khác, người tự làm đơn xin thôi việc, người bị kỷ luật. 

Những phóng viên VOV đoạt giải Giải Búa liềm vàng lần thứ 2 - ảnh 4
Ông Ngô Minh Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng

Đánh giá về các tác phẩm được trao giải Búa liềm vàng lần 2, ông Ngô Minh Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng, cơ quan thường trực Giải Búa liềm vàng, cho biết, Ban Tổ chức đánh giá cao các tác phẩm bám sát việc triển khai các nghị quyết của Đảng, có sức thuyết phục, thể hiện tính phát hiện, tìm ra mô hình mới, việc làm sáng tạo, hiệu quả.

Đặc biệt, các tác phẩm sau khi được đăng tải đã có tác động xã hội, tạo ra sức lan tỏa.

Chẳng hạn như loạt bài “Xã Cổ Đô, huyện Ba Vì - bất ổn ở một vùng quê”, những điểm nóng như vậy xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc, mất ổn định xã hội.

Điểm khác biệt ở loạt bài này là sau khi được đăng tải, cơ quan chức năng vào cuộc đã có cách giải quyết hợp lòng dân.

Hay như bài “Ông Bí thư thời @”, chỉ tít bài thôi cũng gợi cho người ta sự chú ý, nó gắn với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ hiện nay phải làm sao để thích ứng”.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu