Nhớ chị Châu Loan

Chia sẻ
(VOV5)- Với nghệ sĩ nhân dân Châu Loan, tôi chỉ như một người đàn em, một người “ăn theo”.

(VOV5)- Với nghệ sĩ nhân dân Châu Loan, tôi chỉ như một người đàn em, một người “ăn theo”.

Bởi lẽ tôi tuổi Mậu Dần (1938), còn chị tuổi Bính Dần (1926). Từ những năm 60 của thế kỷ trước, mỗi lần có cuộc biểu diễn riêng lẻ, chúng tôi cùng đi với nhau.

Chị Châu Loan, chị Hồng Lê, chị Thương Huyền hát, còn tôi ngồi với ba cây nhạc để đệm là ông Đinh Khắc Ban, ông Mộng Ứng, ông Ngọc Bích. Tôi thường đảm nhiệm “bộ gõ”. Nói chữ “bộ gõ” cho “oách” thực ra chỉ có cái trống và đôi dùi, thế thôi. Có lẽ do tay trống “giòn tan” của tôi mà các chị rất tín nhiệm. Thỉnh thoảng, chị Thương Huyền còn hát cả Chèo, tôi cũng không bỏ dùi.

Cùng là dân Khu 4 nên tôi gần với chị Châu Loan hơn. Khi nói chuyện với nhau là “thả” giọng miền Trung ra. Chị bày thêm cho tôi nói giọng Huế, nên tôi tập ca Huế và đóng được vài vai trong hoạt cảnh truyền đi trên làn sóng của Đài TNVN.

nho chi chau loan hinh 0
Nghệ sĩ nhân dân Châu Loan.

Chị Châu Loan có cách lấy hơi tuyệt vời. Một câu hò dài đến 2 phút,ta không thể biết chị lấy hơi lúc nào mà chỉ thấy hò một mạch đến hết. Chị khoe rằng, quê mình ở Vĩnh Giang (Vĩnh Linh, Quảng Trị) ai cũng có hơi dài.

Những đêm trăng sáng nam nữ đều trổ tài thi nhau ai dài hơi hơn ai. Có lẽ vì vậy mà chị ca Huế rất hay, ngâm thơ Huế cũng tuyệt vời. Trong đại hội Thanh niên Sinh viên thế giới ở Ba Lan, chị đã trình bày các ca khúc, những điệu hò quê hương chiếm được cảm tình bầu bạn quốc tế.

Tôi nhớ mãi lần thu thanh bài thơ Mẹ Suốt của nhà thơ Tố Hữu. Sau khi ngâm theo giọng Huế bài thơ này, chúng tôi chuyển sang thu thanh hình thức khác, đó là kể Vè. Tôi đệm trống phách giúp chị. Tôi phục chị khi xử lý câu “Gan chi gan rứa mẹ nờ” rất đúng phong cách miền Trung.

Chỗ đó chị giơ tay ra hiệu cho dàn nhạc im lặng để cho tác giả hỏi chuyện Mẹ Suốt. Đoạn này rất có hiệu quả. Nhà thơ Tố Hữu sau khi nghe đã khen sự sáng tạo của chị và ông rất ưng ý. Thời gian này chúng tôi không thể biên tập kịp các tiết mục cho các diễn viên thể hiện.

Riêng chị Châu Loan mỗi ngày thu thanh một hai tiết mục là chuyện thường. Không khí tập dượt rồi thu thanh thật nhộn nhịp suốt đêm ngày để nhanh chóng có tiết mục truyền đi trên sóng phục vụ các chiến trường, các địa phương. Phòng Dân Ca không làm việc ở Quán Sứ, mà chúng tôi chuyển về đây cho gần các nghệ sĩ thể hiện.Viết được bài nào,duyệt xong là đưa luôn các tổ biểu diễn dàn dựng cho kịp thời.

nho chi chau loan hinh 1
Nghệ sĩ nhân dân Châu Loan (ngồi giữa, hàng hai) chụp ảnh cùng Chủ tịch
 Hồ Chí Minh cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Phủ Chủ tịch.


Dạo đó tôi ở trên gác 2 của dãy nhà hai tầng nằm giữa Khu tập thể của Đoàn ca nhạc Đài TNVN (128 C Đại La), còn chị Châu Loan ở dãy nhà sát ngoài mặt đường.. Những bài dân ca tôi đi sưu tầm được, người đầu tiên tôi “khoe” là chị Châu Loan.

Chị cũng muốn nghe ngay để học thêm vài bài dân ca nhất là dân ca Nghệ Tĩnh, nên biết tôi đi công tác về chị lên gác 2 hỏi chuyện ngay. Chị có trí nhớ cũng tuyệt vời, chỉ nghe một hai lần là thuộc cả bài. Chỗ nào cần tập đi tập lại để cho ra Xứ Nghệ, không“lai”sang quê Bình Trị Thiên của chị.Chị tập bài nào thì tôi giữ nhịp giúp chị bằng Song Loan, có khi kéo Nhị, hoặc đệm cả đàn Đáy của ông Ban để trong phòng tôi.

Sự chăm học của chị đã lây sang tôi, nên tự mình cũng mày mò học đàn, học hát, học đọc, học diễn xuất bằng giọng Nam Bộ. Giữa năm 1972 khi chị ốm tôi đến thăm khi chị đang nằm điều trị ở Bệnh viện Việt Xô, chị nắm tay tôi rồi hổn hển trong hơi thở ngắn: Mình muốn ngủ rồi,cậu ru cho mình nghe một điệu dân ca đi.

Tôi quá bất ngờ, vừa gật đầu mà nước mắt cứ chạy vòng quanh. Không rõ vì quá xúc động hay cạn nghĩ mà tôi tự nhiên buột miệng khe khẽ hát điệu “Gió đưa cây cải”: Gió đưa cây cải về trời – Rau răm ở lại chịu lời đắng cay. Anh Văn Viễn chồng chị có mặt hôm đó, cũng không cầm được nước mắt, nhắc tôi đừng hát nữa. Trong những ngày “Điện Biên Phủ trên không”(tháng 12/1972), các anh Phạm Tuyên, Nguyễn An và tôi được phân công trực chiến ở Hà Nội.

Sáng ngày 24/12, tôi sang Bệnh viện C (Bệnh viện Phụ sản bây giờ - gần Đài TNVN) để thăm chị Châu Loan – Thời gian này chị được chuyển về đây điều trị. Tiếc thay, các bác sĩ báo tin chị không còn nữa. Tôi vội về Đài thông báo và đêm ấy ngồi viết một “chương trình Châu Loan” để vĩnh biệt chị trở về với thế giới người hiền, theo ý anh Phạm Tuyên là phát ngay vào tối 25/12. Nếu vì câu hát của tôi mà chị bay về trời sớm, thì xin những người còn ở lại thứ lỗi cho tôi.

Được kết bạn “vong niên” với Châu Loan, tôi mới hiểu thêm câu nói của bố tôi thường hay khuyên các con rằng: “Muốn trở thành ngôi sao thì phải thức khuya dậy sớm”. Quả đúng thật! Chị đã chứng minh được điều đó và cũng là tấm gương cho tôi noi theo, mặc dù theo được còn mệt lắm. Đến nay chị không còn nữa, biết rằng có thêm nhiều bạn tuổi Dần khác, nhưng hình ảnh của “thời xưa”còn in đậm trong tâm khảm.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu