Một tấm lòng nhiệt huyết vì phát thanh Việt Nam

Vũ Hải/VOV
Chia sẻ
(VOV5) - Đã có nhiều người nước ngoài làm hiệu đính ở phòng tiếng Anh VOV5, nhưng chuyên tâm và có nghề nhất là ông bà Iain Finlay và Trish Clark.

(VOV5) - Đã có nhiều người nước ngoài làm hiệu đính ở phòng tiếng Anh VOV5, nhưng chuyên tâm và có nghề nhất là ông bà Iain Finlay và Trish Clark.


Tôi biết ông bà Ian Finlay và Trish Clark năm 2003 với một kỉ niệm không được vui. Hồi đó, Ban Biên tập đối ngoại (nay là Hệ phát thanh Đối ngoại quốc gia - VOV5) được Văn phòng Đài TNVN đồng ý cho phép ngăn khu biên tập với các phòng thu, và ngăn một số phòng của lãnh đạo Ban. Tôi cùng với một số anh em ở Văn phòng xuống tầng 3 tòa nhà 45 Bà Triệu xem xét việc đo đạc để ngăn như thế nào cho đúng.

Một tấm lòng nhiệt huyết vì phát thanh Việt Nam - ảnh 1 
Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm phòng tiếng Anh năm 2003

Nhìn thấy tôi, bà Trish Clark nói ngay, giọng hơi to: “Các ông có ngăn phòng của các ông thì cứ ngăn, riêng phòng tiếng Anh thì đừng đụng vào, vì như thế không đẹp và bất tiện”. Tôi nhìn bà trả lời, tuy không bằng lòng với cách phản ứng như vậy: “Bà cứ yên tâm, chúng tôi sẽ không đụng đến đâu’’. Lúc đó, cũng bực mình thật vì việc ngăn phòng hay không đâu có liên quan gì đến chuyên gia hiệu đính, đây là công việc nội bộ của đơn vị.

Nhưng rồi tôn trọng ý kiến của họ, chúng tôi cũng không ngăn phòng tiếng Anh. Sau này, mới thấy rằng ý kiến của ông bà Iain Finlay và Trish Clark đúng. Mô hình tòa soạn mở về sau này được nhân rộng ngày càng nhiều trong Đài TNVN. Iain Finlay và Trish Clark sang làm việc với Đài Tiếng nói Việt Nam theo tổ chức tình nguyện Úc (AVI). Ông bà từng là phóng viên, nhà sản xuất chương trình phát thanh và truyền hình. Bản thân Iain Finlay và Trish Clark cũng đã sang Việt Nam đầu những năm 70 thế kỷ trước để đưa tin về cuộc chiến tranh Việt Nam. Họ cũng là đồng sáng lập chương trình khoa học trên truyền hình Beyond 2000, một chương trình được nhiều khán giả trên thế giới đánh giá cao.


Một tấm lòng nhiệt huyết vì phát thanh Việt Nam - ảnh 2
Iain Finley và Trish Clark cùng các BTV, PTV phòng tiếng Anh

Và theo các biên tập viên của phòng tiếng Anh, đã có nhiều người nước ngoài làm công tác hiệu đính ở đây nhưng làm việc chuyên tâm và có nghề nhất cho đến lúc này phải nói đó là ông bà Iain Finlay và Trish Clark. Tính tình bộc trực, quan hệ rộng rãi, ông bà không những giúp đỡ các bạn trẻ phòng tiếng Anh nâng cao nghiệp vụ báo chí, mà còn trực tiếp tham gia các chương trình phát thanh. Ngoài công việc chuyên môn, Iain Finlay và Trish Clark cũng hay tham gia công việc chung của Ban Biên tập đối ngoại.

Tôi còn nhớ trong đêm hội diễn văn nghệ nhân kỉ niệm ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, ông bà hăng hái lên hát đồng ca bài hát chính thức của SEA Games 22 cùng Chi đoàn thanh niên Ban Biên tập đối ngoại. Chắc Ban giám khảo thấy có sự hiện diện của người nước ngoài nên châm chước chấm tiết mục này được giải nhất!

Một tấm lòng nhiệt huyết vì phát thanh Việt Nam - ảnh 3
Hai ông bà Iain Finley và Trish Clark

Năm 2006, trở lại Việt Nam, ông bà Iain Finlay và Trish Clark có hai việc chính, đó là giới thiệu cuốn sách “Chào Hà Nội” và làm chuyên gia tư vấn cho Đài Tiếng nói Việt Nam lên kênh tiếng Anh 24/7. Trong buổi giới thiệu cuốn “Chào Hà Nội” tổ chức tại Viện Goethe, Iain Finlay và Trish Clark cho biết họ thực sự ấn tượng về những đổi thay ở Việt Nam, cảm phục những con người Việt Nam đầy lòng vị tha và những con người như thế xứng đáng được hưởng cuộc sống thanh bình, hạnh phúc.

Cuốn sách gồm 15 chương với gần 400 trang ghi lại những cảm nhận của hai nhà báo Úc về đất nước, con người Việt Nam trong thời gian 15 tháng họ công tác ở phòng tiếng Anh, Ban Biên tập đối ngoại Đài TNVN, với tư cách là cộng tác viên hiệu đính. Cuốn sách gồm nhiều câu chuyện thú vị pha lẫn sự hài hước vốn có của hai nhà báo nhiều kinh nghiệm, nhưng trên hết nó toát lên một cái nhìn tích cực về Việt Nam, về tấm lòng nhiệt huyết đối với phát thanh Việt Nam.

Trong cuốn sách của mình, Iain Filay và Trish Clark dành nhiều tình cảm đối với những người hàng xóm nơi ông bà cư trú tại căn hộ nhỏ trên phố Lý Thường Kiệt, sự hiếu khách cũng như tình cảm họ dành cho ông bà mặc dù hai bên hầu như chỉ giao tiếp với nhau qua cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể. Iain Finlay và Trish Clark cũng kể lại những trải nghiệm khi tham dự các lễ hội như Tết Trung thu, Tết nguyên đán, ngày xá tội vong nhân, hay những cảm nhận khi tham quan vịnh Hạ Long, Tam Cốc-Bích Động, rừng quốc gia Cúc Phương, Sa Pa với các phong tục, tập quán cũng như nghi lễ đồng bào dân tộc thiểu số tại đây.

Một tấm lòng nhiệt huyết vì phát thanh Việt Nam - ảnh 4 
Iain Finley và Trish Clark cùng các BTV, PTV phòng tiếng Anh tham gia Hội diễn văn nghệ Đài TNVN

Ngoài những câu chuyện lý thú, cuốn sách còn được minh họa bằng những hình ảnh độc đáo do chính hai tác giả chụp trong thời gian công tác tại Đài TNVN và trong những chuyến du lịch ở khắp miền quê Việt Nam. Hình ảnh anh xe ôm ngủ ngon lành ngay trên yên xe trong lúc chờ khách, chị bán hàng rong đội nón, bịt mặt như ninja, tong tả trên đường phố, mấy cụ về hưu thảnh thơi ngồi đọc báo trên ghế đá công viên, hay cậu bé tất bật sửa xe máy trên vỉa hè Hà Nội... cho thấy cái nhìn đồng cảm của hai nhà Úc đối với cuộc sống thường nhật ở Việt Nam.


Một tấm lòng nhiệt huyết vì phát thanh Việt Nam - ảnh 5
Bìa cuối sách "Chào Hà Nội"

Iain Finlay và Trist Clark cũng cho rằng những đổi thay tại Đài Tiếng nói Việt Nam là rất tích cực, tuy nhiên cũng còn nhiều việc cần phải bàn. Trong khoảng thời gian 3 tháng, với cung cách làm việc của “những nhà ngoại giao” như bà Trish Clark tâm sự, ông bà đã có 3 bản báo cáo khá chi tiết về các giai đoạn lên một kênh phát thanh liên tục bằng tiếng Anh. Trong đó, đề cập đến đối tượng thính giả nào của kênh, khung chương trình, nhân lực, tài chính và kỹ thuật cần thiết cho một kênh phát thanh tiếng Anh liên tục. Đây thực sự là một công trình nghiêm túc đầy tính khả thi gợi mở cho Đài TNVN một cách làm mới.

Tôi thực sự xúc động khi cầm cuốn sách “Chào Hà Nội” của ông bà đề tặng bằng tiếng Pháp chứa đựng tình cảm sâu nặng của những người bạn Úc. Hi vọng kênh tiếng Anh 24/7 của Đài Tiếng nói Việt Nam sớm được thực hiện và cuốn sách “Chào Hà Nội” được xuất bản bằng tiếng Việt để đông đảo độc giả Việt Nam biết đến./.      


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu