Lê Kiên và một thời làm Phát thanh Nông nghiệp

Phạm Kinh Bắc/VOV.VN
Chia sẻ
(VOV5) - Ông yêu nghề và chăm chút cho chương trình Nông nghiệp từng li từng tí. Ông chịu khó nghe và học ngay cả cách làm của đám phóng viên trẻ vốn được các thày "Tây" dạy kinh nghiệm làm phát thanh hiện đại
(VOV5) - Ông yêu nghề và chăm chút cho chương trình Nông nghiệp từng li từng tí. Ông chịu khó nghe và học ngay cả cách làm của đám phóng viên trẻ vốn được các thày "Tây" dạy kinh nghiệm làm phát thanh hiện đại.


Tôi vẫn nhớ khi nhà báo Lê Trường Kiên về hưu (năm 2009), tuy tuổi 60 nhưng ông còn sung sức lắm. Thời đó, lương hưu khó sống, Đài thì không có chủ trương ký thêm chế độ cộng tác viên, mấy anh em đã giới thiệu ông sang làm bên Vietnamnet. Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Vietnamnet có chút băn khoăn nên gọi điện cho tôi  hỏi xem ông Lê Kiên là người thế nào, tôi nói ngay: “Người hiền lành thật thà tốt bụng lắm đấy anh ạ, cả đời chả hại ai bao giờ, cực kỳ tốt!”. Nguyễn Anh Tuấn vui hẳn lên: “Ối giời ơi, thế thì còn gì bằng!". Thế là Lê Kiên về gắn bó với Vietnamnet từ bấy đến nay. 


Lê Kiên và một thời làm Phát thanh Nông nghiệp - ảnh 1 
Tác giả và các nhà báo Trần Đức Nuôi, Lê Kiên, Tuyết Yến năm 2007( Từ trái qua)


Lê Kiên sinh ra ở nông thôn, quê ông là vùng vải Thanh Hà (Hải Dương) nổi tiếng. Cuộc đời làm báo của ông hầu như gắn với nông dân và nông thôn - cái lãnh địa cũng hiền lành, mộc mạc, thật thà và luôn chịu thua thiệt như số phận của ông vậy. Ông có gia cảnh đặc biệt, cha ông là liệt sĩ kháng Pháp, ông mồ côi cha từ nhỏ. Mẹ ông ở vậy  nuôi con, hai mẹ con côi cút đùm bọc yêu thương nhau cho nên ông yêu kính mẹ đặc biệt, làm gì cũng sợ mẹ buồn. Vợ ông đi xuất khẩu lao động từ lâu không về, mấy chục năm một mình đi chợ nấu cơm, chăm bẵm hai con nhỏ trưởng thành. Dù rất yêu một người, trải bao năm tháng đến giờ họ vẫn bên nhau, thế nhưng Lê Kiên nhất định không cưới, không chịu đưa nàng về sống cùng một nhà. Một trong những lý do là ông sợ nàng dâu về không biết có "cơm lành canh ngọt" với mẹ không, “cả hai đều khó chiều mày ạ”. 


Thời điểm cuối những năm 90 của thế kỷ 20, các chương trình phát thanh của Đài bắt đầu có nhiều đổi mới theo hướng hiện đại. Trong bối cảnh đó, nhiều chương trình có từ những ngày đầu, trong đó có Nông nghiệp, vẫn giữ lối "canh tác" kiểu cũ, “mở đầu chương trình, mời các bạn nghe bài”, “bây giờ là bài”, “sau đây là bài” (phần lớn là bài "chay", chả có tiếng người), kèm vài đoạn nhạc cắt tèng téng teng, nghe không được hấp dẫn cho lắm và chênh với tông chung của cả Hệ VOV1. Lúc ấy Lê Kiên là trưởng phòng, cũng chịu nhiều sức ép của lãnh đạo Đài, cụ thể là Phó TGĐ Nguyễn Thị Kim Cúc, yêu cầu phải có đổi mới. Phòng Nông nghiệp tuy toàn những đại thụ như Thanh Chí, Thanh Hương, Thanh Mừng, Đoàn Uyên, Đỗ Mạnh Hùng nhưng người thì ít, lại đều sắp đến tuổi hưu nên động lực để thay đổi không còn nhiều. Nhà báo Hoàng Hàm, Trưởng Ban biên tập Kinh tế-Khoa học-Công nghệ quyết điều tôi và 4 nhà  báo nữa, đều thuộc diện “phóng viên trẻ con” bổ sung về Phòng Nông nghiệp. Lúc nhận lệnh chuyển từ phòng Kinh tế của sếp Nguyễn Quang Huy đi tôi hãi lắm. Đang toàn tiếp xúc với giới ngân hàng, doanh nghiệp, các nhà quản lý tinh hoa, chủ yếu ở địa bàn đô thị, giờ tôi chuyển về đây, toàn chuyện phân gio, trâu bò…nên chán. Xin ở lại không được, lúc đó nhà báo Lê Kiên mới gọi ra tâm sự: "Thôi, cứ tạm về đây, nếu thấy không ổn sau này chú ủng hộ mày về Kinh tế. Ở đây tình cảm, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo…".


Bản thân tôi cũng không ngờ Phòng Nông nghiệp đã cho tôi nhiều thứ như thế. Từ đây, tôi cứ thế đi tiếp chứ không trở về Phòng Kinh tế như ước nguyện ban đầu. 


Bọn tôi về Nông nghiệp chỉ có mỗi sức trẻ, kinh nghiệm rất non, thậm chí mùa vụ thế nào còn chả biết, nhưng rồi cả hai lớp già trẻ phối hợp rất ăn ý, tương hỗ nhau…Chương trình Nông nghiệp đầu tiên làm theo "phom" mới khi vừa phát sóng đã được Phó TGĐ Nguyễn Thị Kim Cúc khen không tiếc lời… Lê Kiên chính là đầu mối tổ chức công việc, điều hòa xung khắc trẻ già, để đến bây giờ, mỗi dịp cuối năm, u con bác cháu có dịp gặp nhau chúc Tết, ký ức tốt đẹp về những năm tháng làm việc say mê lại ùa về. Những cựu nhà báo như Thanh Mừng, Thanh Chí, Hồ Khánh Thiện… ngồi nhắc lại những mánh nghề nghiệp và những tật đáng yêu của nhau cùng cười khanh khách. 


Lê Kiên và một thời làm Phát thanh Nông nghiệp - ảnh 2
Lê Kiên và các đồng nghiệp Ban biên tập Kinh Tế-Khoa học-Công nghệ


Với Lê Kiên thì khỏi nói, ông chỉ hợp với nông dân và nông thôn. Những bài báo, kịch truyền thanh của ông về đề tài này duyên dáng, nhẹ nhàng. Ông cũng có những sáng kiến khuyến khích đổi mới rất "nông nghiệp". Ví dụ, để bài có nhiều giọng nói của nông dân, ông đề ra qui định, bài cứ có một “tiếng động” của bà con thì được cộng thêm 10.000 đồng. Bản thân ông cùng anh em thi nhau đi cơ sở, tiếp xúc nhiều hơn với nhà nông để “hút tiếng”.  Đi công tác, nhiều khi thấy bà con đang làm ruộng ven đường, ông yêu cầu lái xe dừng lại, vác máy lội xuống tận ruộng hỏi chuyện, phỏng vấn… Cũng có chuyện cãi nhau ỏm tỏi trong phòng vì có người đưa quá nhiều tiếng động vào bài một cách... phi lý.  Ông làm Trưởng phòng nhưng tính tình hiền lành. Phòng Nông nghiệp thì giữ nếp sinh hoạt kiểu hợp tác xã. Nhiều khi “chủ nhiệm” Lê Kiên  tranh luận với các  “xã viên” Thanh Chí, Thanh Mừng, Đỗ Mạnh Hùng đến đỏ mặt, tía tai. Khi duyệt bài, ông có tật vừa đọc vừa gật gù đưa tay giật tóc, tốc độ  giật càng nhanh thì bài càng có vấn đề, nhìn từ xa đã biết có khi bài bị "đổ" đến nơi! 


Lê Kiên làm trưởng phòng, rồi làm phó ban Kinh tế, phó giám đốc VOV1 (tương đương Phó Vụ trưởng) nhưng chất quan trong người ông rất ít bởi chất phóng viên nông dân tham công tiếc việc lấn át. Tôi nhớ nhiều lần tháp tùng ông đi cơ sở, xác định đi phục vụ sếp, mình sẽ tác nghiệp là chính còn sếp chắc chỉ ngồi nghe, ghi chép, đặt vấn đề... nên chuẩn bị máy ghi âm, pin, băng cat-set rất cẩn thận. Ai ngờ khi bắt đầu làm việc lại thấy ông lọ mọ  lôi trong cặp ra cái máy ghi âm to bằng hai cục gạch, lắp micro rồi  "hút tiếng"  như...tôi. Để tránh bối rối cho cơ sở, tôi đành ngồi im, thấy mình như thừa ra, càng nghĩ càng không nhịn được cười. Mình thì sếp chẳng phải sếp mà nhân viên cũng chẳng ra nhân viên. Ngược lại, ông cũng thế! 


Lê Kiên là người  thật thà và nhát, kể cả trong chuyện tình cảm. Ông kể có lần phải lòng một cô, hai người dường như "tình trong như đã, mặt ngoài còn e". Nhằm đêm trăng sáng, ông rủ nàng đi tâm sự. Hôm đó, nàng mang theo một quả bưởi và con dao để bổ. Ngồi cả buổi, nàng bồn chồn chờ đợi đến nỗi đưa tay vặt trụi đám cỏ  xung quanh mà chàng vẫn ngồi im chả dám động binh. Cuối cùng, nàng đành mời chàng xơi hết bưởi rồi xách dao về... Ông tiếc nuối khai rằng lúc ấy đã muốn xông vào ôm hôn lắm rồi nhưng nàng vặt cỏ khoẻ quá, lại thấy lưỡi dao sáng loáng dưới ánh trăng, trộm nghĩ nhỡ xông vào ôm mà nàng không đồng ý lại vớ dao đâm cho một nhát thì toi đời. Lắm khi ông cũng thở dài tự nhận, có lẽ mình thật quá nên không đâu vào đâu cả. Trong công việc, nhất là với cấp trên, ông cũng thế. Khi cấp trên đã giao việc thì ông tâm niệm chấp hành rất nghiêm, kể cả trong bụng chưa hẳn đã đồng tình nhưng cũng ít dám "cãi".


Cái tính mẫn cán ấy có lẽ rất hợp với vị trí làm thư ký cho cố Tổng giám đốc VOV Trần Lâm. Cụ Trần Lâm rất ưng ông nên giữ làm thư ký đến 5 năm, sau rồi "thả" cho về làm phóng viên. Sau này, lúc đã  nghỉ hưu, khi còn khoẻ, Tết nào cụ Trần Lâm cũng thân chinh đến tận nhà chúc Tết cựu thư ký Lê Kiên, đủ biết tình cảm thày trò sâu đậm đến mức nào. Thời cụ Trần Lâm làm Tổng Giám đốc, điều kiện kinh tế còn khó khăn lắm. Thày trò đi cơ sở, chế độ ăn sáng của một Uỷ viên Trung ương và thư ký chỉ là cơm nguội rang mỡ, thế đã sang lắm rồi. Tổng giám đốc có được ưu tiên hơn thư ký thì cũng chỉ là vài miếng tóp mỡ nhà bếp cố ý "cơ cấu" thêm vào. Thời nào cũng thế, thư ký Thủ trưởng nếu khéo léo hoặc được quan tâm thì thường có cơ hội phát triển nhanh hoặc có cuộc sống ấm hơn, Lê Kiên thì không thế. Ông chỉ tâm niệm làm tốt nhiệm vụ của mình. 


Ông yêu nghề và chăm chút cho chương trình Nông nghiệp từng li từng tí. Ông chịu khó nghe và học ngay cả cách làm của đám phóng viên trẻ vốn được các thày "Tây" dạy kinh nghiệm làm phát thanh hiện đại. Vì công việc, ông không nề hà khuya sớm. Tôi nhớ năm 2000, khi lũ ở ĐBSCL lên cao bất thường, gây ngập lụt và thiệt hại nghiêm trọng, tôi được cử đi đưa tin, mục tiêu là ngày nào cũng phải  có bài trên sóng. Hơn một tháng trời, tối nào Lê Kiên cũng lọ mọ vác chăn lên cơ quan, chờ tôi đọc bài qua điện thoại về lúc 10h đêm rồi đi cắt trích để đưa vào chương trình kịp phát sáng sớm hôm sau. Thương tôi vất vả, lần đầu bỡ  ngỡ  ở vùng đất lạ, ông và mọi người trong phòng đều lo lắng, quan tâm hỏi han chuyện ăn nghỉ rất tỉ mỉ. Lúc ấy còn khó khăn, không chỉ đi làm báo mà còn phải tự lo chỗ ăn ở rất vất vả vì công tác phí vô cùng eo hẹp... Khi tôi trở về, ông đã tặng tôi nguyên một băng ghi lại tất cả những tin bài đã thực hiện. 


Phát thanh nông nghiệp thời Lê Kiên làm trưởng phòng đã khởi sắc trở lại với nhiều chuyên mục sinh động, gần gũi cuộc sống như "Chuyện làng, chuyện xã", "Nhà nông tính chuyện làm ăn", "Làm giàu trên đất quê mình". Điều mà lớp phóng viên  trẻ chúng tôi nhớ nhất là tình người mộc mạc và những giai thoại tình yêu, nghề nghiệp thời trước được các cô chú kể lại. Gạch nối giữa quá khứ và hiện tại của VOV có lẽ được lưu giữ và truyền tiếp theo cách ấy. Riêng Lê Kiên, ông để lại sâu đậm nhất ấn tượng về một người tốt, không bao giờ có ý xấu với bạn bè, đồng nghiệp. Ông luôn mang cái hiền lành thực thà mẹ dạy ra đối đãi với đời, cho dù phần ông nhận lại có lẽ không phải bao giờ cũng tương xứng. 


Đã làm ở Đài, lại làm phóng viên thời của Lê Kiên, có lẽ hiếm người có cuộc sống giàu có, khấm khá. Cách đây dăm bảy năm, khi Đài có chủ trương xây nhà chung cư bán cho cán  bộ, Lê Kiên thuộc tiêu chuẩn được mua nhà liền kề. Ngặt nỗi giá nhà đến vài tỷ, quá sức của ông và nhiều người nên hầu hết đều mang "bán lúa non" kiếm chút chênh lệch. Với Lê Kiên, lộc ấy là lộc lớn nhất cuộc đời công tác của ông. Ngặt nỗi lúc ấy thị trường bất động sản đang xuống, ông bán vội vàng được ít tiền, đã tưởng là to lắm, sung sướng âm ỉ.  Ai ngờ chỉ vài tháng sau, nhà đất sốt hầm hập, có người bán được đến tiền tỷ. Lúc ấy Lê Kiên lại tiếc ngẩn ngơ vì tiền không những ít mà còn mất  giá, nhất là so với vàng, đành tự an ủi mình bằng cách đổ cho số phận. 


Tôi nhớ một lần về quê cùng ông, Lê Kiên dẫn tôi ra một ngôi nhà rêu phong nhỏ bé, nằm lọt thỏm giữa khu vườn hoang cây cỏ bời bời. Tay run run thắp hương trên bàn thờ cha, ông xúc động...nơi này bao nhiêu kỷ niệm, mẹ đã nuôi ông lớn lên ở đây. Bà có trí nhớ kỳ lạ,  thuộc nhiều tích, nhiều ca dao tục ngữ. Hồi bé, mẹ vẫn nằm đưa võng ôm ông kể bao nhiêu chuyện rồi hát ru cho cạn đêm dài. Cứ thế, ca dao tục ngữ thấm vào ông như vô thức. Tiếc rằng nhà không có ai chăm nom, giờ hoang tàn quá. Tôi đã đứng lặng dưới mái hiên nhỏ bé, nghe ngoài vườn sau nhà gió xào xạc thổi qua như những tiếng thở dài…


Tôi không biết làm thơ, nhưng thời điểm Lê Kiên về hưu, tự nhiên "đẻ" ra được một bài:


 Vong niên tạm biệt

 (Tặng người bạn vong niên trước khi "thong thả dang tay ra về")

Thế là tôi đã sang sông

Trải bao nhiêu sóng ngỡ không thấy bờ

 Từ tinh khôi đến bây giờ

Vẫn say chữ nghiệp lơ ngơ chữ tình

 Mãi đi cầu sự thái bình

Mà sao lắm lúc thương mình long đong

Ngóng chim công lượn mấy vòng

Chiếc lông rơi xuống bâng khuâng mấy chiều

 Giữa muôn được - mất, ít - nhiều

Vịn lời mẹ dạy đánh liều mà đi

 Có vui mừng, có sân si

Ra về thanh thản tiếc gì hư không

 Thế là tôi đã sang sông

Sau lưng một giáng cầu vồng đã lên

 Mẹ tôi vẫn ngóng bên thềm

Người thương cũng đợi bên miền thu sang

 Hanh hao trong bóng thu vàng

Thực thà, thong thả, nhẹ nhàng bước đi…


Ở buổi chia tay ấm áp của VOV1, ông nói: "Cả đêm qua trằn trọc không ngủ được, không biết mai chia tay các bạn sẽ nói gì. Giờ  nghe bài thơ này thì thôi, tôi không nói nữa. Chúc anh em ở lại với Đài mọi điều tốt đẹp"./.



Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu