​Đổi mới không gian thông tin, tuyên truyền đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Nguyễn Tiến Long, Trưởng Ban Đối ngoại (VOV5)
Chia sẻ
(VOV5) - Đến nay, VOV là cơ quan ngôn luận duy nhất ở Việt Nam, có riêng chương trình phát thanh dành cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc với thời lượng phát sóng 300 phút/ngày.

Dấu ấn về một chương trình phát thanh chuyên biệt

Ngày 16/8/1981, Đài Tiếng nói Việt Nam đã thành lập Chương trình phát thanh “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc”. Nội  dung phục vụ cho đối tượng đặc biệt này đã xuất hiện rải rác trên sóng phát thanh trước đó rất lâu. Qua nhiều giai đoạn phát triển, hiện nay, chương trình phát thanh Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc đã tạo ra hiệu ứng tích cực, tuyên truyền đến cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thành tựu xây dựng, đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là góp phần định hướng dư luận, đấu tranh với các phần tử thù địch, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, kết nối kiều bào đóng góp xây dựng đất nước, quê hương.

​Đổi mới không gian thông tin, tuyên truyền đối với người Việt Nam ở nước ngoài - ảnh 1Các thế hệ phóng viên của chương trình phát thanh Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc.

Như vậy cho đến nay, Đài Tiếng nói Việt Nam là cơ quan ngôn luận duy nhất ở Việt Nam, có riêng chương trình phát thanh dành cho cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc với thời lượng 300 phút/ngày trên sóng phát thanh phát sóng ngắn, sóng trung đi tới các địa bàn trọng điểm trên toàn thế giới và treo trên trang web vovworld.vn có nhiều nội dung chuyên biệt, thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt của Đảng và Nhà nước về công tác với kiều bào, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu kết nối với quê hương xứ sở của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Có thể nói truyền thông cho người Việt Nam ở nước ngoài là một nhiệm vụ lớn, quan trọng về thông tin đối ngoại của Đài Tiếng nói Việt Nam do Ban Đối ngoại đảm nhiệm thành công trong nhiều năm qua.

Cùng với Ban Đối ngoại, các kênh sóng khác của Đài Tiếng nói Việt Nam như Ban Thời sự (VOV1), báo Điện tử VOV.VN, Báo Tiếng nói Việt Nam, Kênh truyền hình VTC10, VOVTV… cũng xây dựng các nội dung chuyên biệt để phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. 13 cơ quan thường trú của Đài Tiếng nói Việt Nam ở nước ngoài, trong hoạt động tuyên truyền và công tác địa bàn, có kết nối và quan tâm  đến các tổ chức, hội đoàn và cộng đồng người Việt Nam ở mọi quốc gia trên trên thế giới.

Trong tình hình đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng có ý nghĩa quan trọng. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, với vai trò ngày càng tăng và địa vị ngày càng ổn định, thực sự là một bộ phận không tách rời, là nguồn lực của dân tộc Việt Nam. Tiềm năng và thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cần được phát huy một cách hiệu quả hơn.

Từ những ngày đầu lên sóng, chương trình phát thanh cho kiều bào đã có những chuyên mục như: Tạp chí Văn nghệ, Giai điệu quê hương, Dạy tiếng Việt, Tiếng quê hương với người xa xứ, Hương vị quê nhà,… và đặc biệt là Câu chuyện với người xa quê duy trì tới nay. Đến nay, Chương trình phát thanh tổng hợp dành cho đồng bào Việt Nam ở xa tổ quốc phát hàng ngày, ngoài bản tin đã có đến 24 chuyên mục trên sóng phát thanh và trang web vovworld.vn, trong đó có nhiều chuyên mục phục vụ trực tiếp yêu cầu thông tin của kiều bào.

Nội dung chương trình đề cập mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của Việt Nam, nhằm thông tin đến kiều bào chủ trương, chính sách, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, chính sách của Đảng và Nhà nước với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kết nối, gắn kết người Việt Nam ở nước ngoài với cộng đồng trong nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hỗ trợ kiều bào sinh sống ổn định, hòa nhập với cộng đồng sở tại, hướng về quê hương đất nước và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam ở nước ngoài... Đặc biệt chuyên mục Câu chuyện với người xa quê (phát thứ ba và Chủ nhật hàng tuần) được duy trì gần 40 năm qua với các bài viết tâm tình mang tính thời luận đã phần nào hoà nhập với tâm cảm chung của cộng đồng, góp phần giải độc những thông tin trái chiều, không thiện ý về hiện tình Việt Nam trong công cuộc hội nhập quốc tế và khu vực hiện nay.  Điều dễ nhận thấy là cách tiếp cận vấn đề thay đổi khi thời thế thay đổi. Trước kia thời chiến tranh lạnh, Câu chuyện với người xa quê gần như là chuyên mục bút chiến. Nay trong thời hội nhập, Câu chuyện lại là khúc tâm tình.

​Đổi mới không gian thông tin, tuyên truyền đối với người Việt Nam ở nước ngoài - ảnh 2Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đồng tổ chức Diễn đàn trực tuyến: “Hiệp định EVFTA: Con đường đắc lợi – Con đường gian nan" năm 2020.
Những nỗ lực về truyền thông các hoạt động của kiều bào

Ngoài nội dung tuyên truyền các chủ trương, chính sách tới bà con, một điểm cộng lớn của chương trình trong nhiều năm qua là các hoạt động truyền thông liên quan tới kiều bào. Liên tục trong thời gian gần đây trên sóng phát thanh đã xuất hiện tương đối nhiều phát biểu của bà con kiều bào tại các bản tin, chuyên mục, tọa đàm. Một số hoạt động tiêu biểu nhất được phản ánh như các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, kết nối của doanh nhân kiều bào  với doanh nghiệp, Bộ, ngành, địa phương trong nước; Các chương trình do doanh nhân kiều bào tổ chức.

Gần đây, các cuộc tọa đàm về mùa xuân đất nước, biển đảo quê hương, ủng hộ nạn nhân bị thiên tai bão lũ, phòng chống dịch COVID-19… trực tiếp giữa phóng viên, biên tập viên của chương trình với kiều bào, đã tạo hiệu ứng tuyên truyền tích cực trong kiều bào về tình hình đất nước, tin tưởng vào sự phát triển của đất nước, đóng góp xây dựng quê hương, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin không đúng, không khách quan từ báo chí cộng đồng.

Ngoài ra, hàng trăm lượt kiều bào được phỏng vấn, thu thanh, tạo ra một diễn đàn sôi nổi giữa đồng bào ở nước ngoài với đất nước... đã góp phần nhân rộng các mô hình xây dựng và phát triển cộng đồng người Việt, dạy tiếng Việt, các hoạt động  hỗ trợ cộng đồng, góp phần củng cố địa vị pháp lý của kiều bào ở nước sở tại.

​Đổi mới không gian thông tin, tuyên truyền đối với người Việt Nam ở nước ngoài - ảnh 3Nhà báo Nguyễn Tiến Long tiếp sư cô Thích Nữ Giới Tánh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc, đến chúc mừng nhân dịp Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2021.

Khi các hoạt động của cá nhân, hội, đoàn kiều bào được phản ánh, nhân rộng đã giúp kiều bào tìm đến tham gia ngày một đông hơn vào các hội đoàn, qua đó, giúp các tổ chức có thiện cảm với đất nước lớn mạnh và phát huy vị thế, tạo hiệu ứng lan tỏa, có tiếng vang trong cộng đồng, góp phần quan trọng kết nối doanh nhân, trí thức, chuyên gia người Việt trên toàn thế giới, thúc đẩy sự đóng góp của kiều bào cho sự phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngoài ra, mỗi chương trình phát thanh phát trên sóng có thể coi là một bài học tiếng Việt phong phú và bổ ích đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Trong giai đoạn toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, việc Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về mọi mặt là cơ hội để người Việt ra nước ngoài học tập, lao động, hợp tác kinh doanh, công tác và cư trú nhiều hơn. Do đó, số lượng người Việt Nam ở nước ngoài đang tăng nhanh, nhất là ở một số nước như Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản … Số lượng gia đình đa văn hóa có yếu tố kiều bào sẽ tăng do việc người Việt kết hôn với người nước ngoài tăng. Thế hệ người nước ngoài gốc Việt do đó cũng sẽ tăng lên. Cách đây đôi, ba năm số liệu thống kê về số người Việt Nam ở nước ngoài là khoảng 4 triệu người. Đến nay, con số này đã lên trên 5 triệu 300 nghìn người.

Do khủng hoảng kinh tế và sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư và thị trường trong nước hấp dẫn, Việt Nam sẽ là địa bàn thu hút các doanh nhân trí thức gốc Việt ở nước ngoài về nước đầu tư trong những năm tới. Doanh nhân, trí thức kiều bào thực sự là nguồn lực, thúc đẩy quá trình kết nối kinh tế, xây dựng chính phủ điện tử… đóng góp trực tiếp, quan trọng vào quá trình phát triển đất nước.

Đây chính là những yếu tố cần nắm bắt để đổi mới nội dung trên  kênh thông tin chuyên biệt dành riêng cho người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng hấp dẫn và thuyết phục.

Đổi mới không gian thông tin, tuyên truyền cho người Việt Nam ở nước ngoài

Đổi mới hoạt động thông tin, tuyên truyền về kiều bào trên sóng phát thanh và trang web vovworld.vn, sao cho thông tin dành riêng cho đối tượng là người Việt Nam ở nước ngoài của Đài Tiếng nói Việt Nam phải mang tính chuyên biệt, đạt hiệu quả cao, phục vụ tốt nhất nhu cầu thông tin của kiều bào, mục tiêu cao nhất là củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết nối kiều bào xây dựng đất nước, quê hương.

Cần thiết phải có sự đổi mới trong cách tiếp cận về các vấn đề thông tin truyền thông đối với người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt trong các vấn đề phức tạp nhạy cảm và các vấn đề cần đấu tranh dư luận và trong từng thời điểm. Các bài bình luận, thời luận không thể mang phong cách bút chiến như thời chiến tranh lạnh mà phải nhẹ nhàng, sâu sắc, chứa đựng lập luận sắc bén…

Cần tăng thời lượng, tần suất phát sóng, lên các chuyên mục mới, đa dạng các phương thức chuyển tải các nội dung thông tin truyền thông đối với người Việt Nam ở nước ngoài cho phù hợp với các cộng đồng kiều bào ở từng quốc gia, địa bàn trên thế giới và liên tục phải thay đổi phương thức thông tin truyền thông với cộng đồng ở các thời điểm khác nhau.

Trong xu thế hiện nay, cần tăng các chuyên mục cho các đối tượng là tri thức trẻ; Tăng cường nội dung, chuyên đề về chuyển đổi số phù hợp với cuộc cách mạng công nghệ 4.0; Đổi mới nội dung và hình thức chuyên mục dạy tiếng Việt, có thể tham gia với tư cách đồng tác giả các dự án dạy tiếng Việt của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du Lịch hoặc Bộ Ngoại giao. Thay thế thể loại Chuyên đề vốn chỉ nặng về dàn dựng, khai thác bằng phóng sự tư liệu để đưa được nhiều chất liệu cuộc sống, con người thực vào, tăng tính tương tác; Tăng thời lượng và cải tiến hình thức tọa đàm trực tuyến với các cá nhân, tổ chức, hội đoàn, danh nhân, trí thức theo hướng song phương hoặc đa phương (phối hợp với đối tác, khách mời); Xây dụng format chương trình phát tổng hợp phù hợp để phát chuyển tiếp trên làn sóng quốc gia của Lào, Campuchia trong thời gian tới. Đây là một ưu tiên trong chiến lược thông tin đối ngoại của Việt Nam; Đồng thời mạnh dạn bỏ những chuyên mục không rõ mục đích, không thực sự trúng đối tượng hoặc đã sử dụng lâu mà không hiệu quả hoặc nhàm chán. Cần có khảo sát nhu cầu công chúng (qua internet) một cách khoa học, chuyên nghiệp. 

​Đổi mới không gian thông tin, tuyên truyền đối với người Việt Nam ở nước ngoài - ảnh 4Các phóng viên Chương trình Việt Kiều hiện nay

Việc phối hợp với các đơn vị cùng làm truyền thông đối ngoại trong và ngoài đài phục vụ người Việt ở nước ngoài chưa được chặt chẽ, hiệu quả. Cần có những cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn về cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin với Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, VTC10, VTV4, VietnamPlus, báo Nhân Dân, báo Quân đội nhân dân và một số báo điện tử rất mạnh về mảng này như VNExpress, Vietnamnet…

Cuối cùng, nhưng quan trọng nhất là tạo quan hệ chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan như Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao; Vụ Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao; Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông; Vụ Hợp tác quốc tế và Thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Đối ngoại Trung ương,… để họ thường xuyên cung cấp thông tin, định hướng, đặt hàng, phối hợp công tác.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu