“Công tác ở Đài là thời kỳ tươi đẹp nhất của đời tôi”

Trịnh Thị Ngọ
Chia sẻ
(VOV5) - Câu chuyện của PTV Trịnh Thị Ngọ, người được lính Mỹ gọi là “Hanoi Hannah” về những kỷ niệm khi công tác tại Đài TNVN những năm kháng chiến.

(VOV5) - “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” - Câu nói bất hủ đó trên nền nhạc bài Diệt phát xít đã từng mở đầu cho biết bao nhiêu buổi phát thanh tin tức thời sự và luôn luôn gợi nhớ trong tôi những kỷ niệm không bao giờ quên.

 

“Công tác ở Đài là thời kỳ tươi đẹp nhất của đời tôi” - ảnh 1


Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, trong một gia đình tư sản dân tộc. Từ bé đến lớn, tôi đã từng học các trường Pháp cho đến bậc đại học, rồi sau đó tiếp tục học riêng tiếng Anh 3 năm với một bà giáo người Anh, bà Lucille Hà Văn Vượng. Sau khi Hà Nội được giải phóng, qua chị Thi, một người bạn của tôi, tôi được biết Đài Tiếng nói Việt Nam đang tìm người đọc tiếng Anh cho Đài. Tôi nghĩ đây là lúc tôi phải làm một việc gì đó để tham gia công tác cách mạng. Và tôi đã tự nguyện đến Đài Tiếng nói Việt Nam để làm việc.

Có lẽ, tôi là một trong số những anh chị em may mắn được gặp Bác Hồ mấy tháng sau khi Đài từ chiến khu Việt Bắc về thủ đô Hà Nội. Tôi còn nhớ, một buổi tối, khi tôi đến Đài để tập đọc tiếng Anh, chuẩn bị cho buổi phát thanh tiếng Anh đầu tiên thì được biết Bác Hồ đến thăm Đài. Trong một căn phòng ở 58 Quán Sứ, Bác Hồ ngồi sau một cái bàn, đứng bên cạnh Bác là đồng chí Trần Lâm, Giám đốc Đài.

Chợt  Bác nhìn lên thấy tôi và hỏi: "Cô nào mặc áo dài đứng phía ngoài thế?". Đồng chí Trần Lâm trả lời: "Thưa Bác, đó là một nữ sinh Hà Nội mới đến cộng tác với Đài...".

Bác gật đầu rồi tiếp tục nói chuyện với toàn thể anh chị em có mặt hôm đó. Rồi ngày 14/4/1955, tôi vinh dự được đọc buổi phát thanh bằng tiếng Anh đầu tiên của Đài phát đi từ thủ đô Hà Nội. Lúc đó, phòng thu còn ở 58 Quán Sứ, sau này mới chuyển sang bá âm ở phố Bà Triệu. Thời kỳ đó, tôi và anh Mỹ Điền (ở Bộ Ngoại giao sang giúp) thu một chương trình 30 phút phải mất vài ba giờ đồng hồ vì máy móc của ta đã cũ, micro lại hay hỏng, thường phải dừng lại sửa. Có lúc chúng tôi phải đọc thẳng.

“Công tác ở Đài là thời kỳ tươi đẹp nhất của đời tôi” - ảnh 2
Bà Trịnh Thị Ngọ


 
Công tác phát thanh đối với tôi lúc đó hoàn toàn mới mẻ nhưng cũng rất thú vị, vì tôi rất thích tiếng Anh. Nhờ có sự giúp đỡ của nhà báo lão thành người Australia Wilfred Bunchett (đã mất) và sau này là các đồng chí chuyên gia Australia sang đào tạo, hướng dẫn, tôi đã trưởng thành dần trong công tác. Người thầy đầu tiên có công lớn đào tạo tôi trong công tác phát thanh là một chuyên gia Australia, ông Dick Diamond và vợ là bà Lilian Diamond.

 Năm 1965, khi lính Mỹ ồ ạt trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đã cộng tác với Ban địch vận của Bộ Quốc phòng để phát những chương trình dành riêng cho binh sĩ Mỹ ở miền Nam. Tôi được giao nhiệm vụ chuyên đọc buổi phát thanh này cùng với một số các anh chị em khác. Mới phát có vài hôm, chúng tôi đã nhận được ngay sự phản hồi của Đài Tiếng nói Hoa kỳ về chương trình này do Bộ Ngoại giao ta thu được và cung cấp cho chúng tôi. Điều đó làm cho anh chị em chúng tôi rất phấn khởi và ý thức được thêm về nhiệm vụ của mình.

Buổi đầu tiên, chương trình này chỉ là một câu chuyện nhỏ dành cho binh sĩ Mỹ (A small talk to American Gl's) dài chừng 5 hoặc 6 phút lồng vào các chương trình phát hàng ngày của phòng tiếng Anh. Sau đó, chương trình được tăng cường lên 15 phút và 30 phút, phát riêng thành một chương trình hoàn chỉnh, có nhạc Mỹ để cho lính Mỹ nghe. Sau đó, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Đài để hỏi thăm về các chương trình cho binh sĩ Mỹ. Thủ tướng đã khen và cổ vũ tôi cố gắng đọc cho hay và tốt hơn nữa.

Khi đọc các chương trình này, tôi luôn tự giới thiệu: "Tôi là Thu Hương, kêu gọi binh sĩ Mỹ ở miền Nam Việt Nam". (This is Thu Hương calling American Servicemen in South Vietnam). Nhưng binh sĩ Mỹ lại gọi tôi là Hanoi Hannah. Rất nhiều phóng viên báo chí nước ngoài khi phỏng vấn đã hỏi tôi tại sao lại có tên gọi đó, tôi trả lời: Có thể do chương trình được phát đi từ Hà Nội. Hannah là tên của một phụ nữ Mỹ bắt đầu bằng chữ H, trong khi ở tên Thu Hương, chữ Hương cũng bắt đầu bằng chữ H. Mà lính Mỹ thì lại thích chơi chữ. Tôi không quan tâm về việc lính Mỹ gọi tôi như thế nào, điều chủ yếu là họ đã nghe những buổi phát thanh ta phát nhằm vào họ là đối tượng.

 Năm 1967, cùng với một số anh chị em do đồng chí Trần Lâm, Giám đốc Đài dẫn đầu, tôi được lên Phủ Chủ tịch chúc thọ Bác Hồ, được Người tặng cho một bông hồng và được chụp ảnh với Người. Tấm ảnh này tôi vẫn còn giữ như một kỷ vật thiêng liêng. Thời kỳ này, không quân Mỹ đang ném bom miền Bắc, chương trình phát thanh tiếng Anh thường phải thay đổi chỗ làm việc luôn và phải chia sẻ lực lượng, nửa đi sơ tán, nửa ở lại làm việc ở Hà Nội. Thật là kỳ lạ là anh chị em ai cũng thích ở lại Hà Nội, mặc dù ở đây nguy hiểm hơn và báo động liên tục. Chính mắt tôi cũng đã được mục kích một máy bay Mỹ bị tên lửa ta bắn trúng đang bốc cháy (sự kiện này xảy ra lúc có báo động, chúng tôi ngồi ở phòng bá âm, nhìn ra phía ngoài sân không có cửa sổ vì đã được tháo ra để sơn lại), chúng tôi hò reo vui mừng hết chỗ nói.

Rồi ngày giải phóng Sài Gòn đã đến. Tôi cũng là người vào phòng bá âm đọc thẳng tin chiến thắng lúc 5 giờ chiều. Với sự đóng góp nhỏ bé của mình vào công tác của Đài, tôi đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chống Mỹ hạng nhất và danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1993.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi được tổ chức Đài giải quyết chuyển về Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh để hợp lý hóa gia đình. Phải rời bỏ công việc tôi đã phấn đấu và công tác với tất cả niềm tin và lòng nhiệt tình, đối với tôi lúc đó quả là một sự hy sinh. Tôi tạm biệt các đồng chí của mình trong nước mắt và còn nhớ mãi hình ảnh các anh chị em trong chương trình phát thanh tiếng Anh ra tận sân ga Hàng Cỏ tiễn tôi lên tàu vào miền Nam... lòng bùi ngùi xúc động, nước mắt tuôn trào.

Tôi xin được kết thúc những dòng kỷ niệm của tôi bằng một câu trong bài hát của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội. Hà Nội, thủ đô yêu dấu, nơi tiếng nói Việt Nam hàng ngày vang lên vì hoà bình và hữu nghị sẽ sống mãi trong lòng tôi, là kỷ niệm của thời kỳ tươi đẹp nhất trong sự nghiệp của đời tôi./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu