Hưởng ứng chương trình chuyển đổi số quốc gia, thời gian qua, nhiều mô hình chuyển đổi số tiêu biểu đã được lan tỏa rộng rãi tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tại tỉnh Sơn La, chuyển đổi số đã và đang đi vào cuộc sống của từng thôn, bản, các cộng đồng dân cư vùng sâu, vùng xa. Đến nay, bà con nhiều vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa đã biết cách, thậm chí sử dụng thuần thục các thiết bị di động thông minh, cài đặt các hệ thống, ứng dụng công nghệ số phục vụ nhu cầu cuộc sống và phát triển kinh tế. Trên thực tế, chuyển đổi số đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ ràng cho nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình….
Nông dân Sơn La tích cực đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: VOV |
Anh Nguyễn Đình Huy, chủ trang trại hơn 2 héc-ta rau màu ở xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, được đầu tư Hệ thống châm phân tưới tự động nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh Sơn La, tự hào chia sẻ: “Trước đây, trên một hec-ta, gia đình tôi mất 3 đến 3,5 tiếng để vừa pha phân vừa tưới vườn. Từ khi tiếp cận hệ thống tự động có thể rút ngắn thời gian, chỉ còn từ 50 - 60 phút và công việc có thể giao cho người khác làm thay được”.
Trước đây, Mường Sang chỉ được biết đến là một trong những địa bàn tập trung nhiều điểm du lịch của tỉnh, như: di tích lịch sử Lâm viên Tây Tiến, thác Dải Yếm, Cầu kính tình yêu,..v..v... Giờ đây, Mường Sang còn được biết đến là vùng đất đang phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch, trong đó có nhiều Hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như trang trại rau màu của anh Huy.
Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Hải Đăng |
Kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực và tích cực hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng các thôn/bản đang được triển khai rộng rãi tại Sơn Lan.
Anh Tòng Văn Tân, Bí thư chi đoàn Bản Cang, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, cho biết: “Đoàn thanh niên Bản Cang đã thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng, với sự tham gia của tất cả các thành viên, để đi từng ngõ, gõ từng nhà... Chúng tôi đã đến nhà người dân trong bản, để có thể giúp đỡ bà con cài đặt các ứng dụng trên điện thoại di động. Ngay cả việc đơn giản nhất như chụp ảnh các sản phẩm nông sản, rồi gửi qua zalo cho các đầu mối thu mua nông sản. Rồi nữa là hướng dẫn chụp các sản phẩm gia súc, gia cầm do bà con nuôi tại gia đình, để đăng lên các trang fanpage, để giao lưu hàng hoá dễ dàng hơn. Tổ công nghệ số cộng đồng chúng tôi hỗ trợ bà con cách thức ứng dụng công nghệ trong sản xuất, cũng như là đưa nông sản lên bán tại các trang thương mại điện tử”.
Bộ Thông tin và truyền thông cho biết cũng giống như Sơn La, hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đều đang tích cực thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó đặc biệt chú trọng lan tỏa những mô hình chuyển đổi số hiệu quả như Tổ công nghệ số cộng đồng. Đơn cử như tại Tây Ninh, địa phương đến nay đã thành lập hơn 470 Tổ công nghệ số cộng đồng, mỗi tổ có ít nhất 5 người, chủ yếu là các đoàn viên thanh niên, thậm chí có cả cán bộ xã cùng hội viên các Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân… Tổ công nghệ số cộng đồng trực tiếp hướng dẫn cho người dân, tạo nhóm mạng xã hội cho tất cả hộ gia đình trong ấp, khu phố, để có thể giải đáp các thắc mắc của người dân về nhiều vấn đề khác nhau…một cách thường xuyên. Đây cũng chính là mục tiêu mà Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra khi triển khai mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng ở các địa phương.
Ông Mai Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Dịch vụ số, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh: “Bộ đang chú trọng vào ưu tiên một số nhiệm vụ. Thứ nhất là hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công tuyến, đây là điều quan trọng nhất. Thứ hai là hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt. Thứ ba là hướng dẫn các cửa hàng, gian hàng đưa sản phẩm điện tử qua những nền tảng công nghệ số Việt Nam. Thứ tư là hướng dẫn người dân bảo vệ thông tin cá nhân. Đó là những nội dung mà thời gian vừa rồi Tổ Công nghệ số cộng đồng đã triển khai đến tận các xã, thôn, bản”.
Cùng với định hướng trọng tâm của công tác chuyển đổi số quốc gia trong năm 2023 là đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số, các sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ trở nên phổ biến rộng rãi hơn nhờ sự hướng dẫn, lan tỏa của Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương. Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng: “Người dùng cá nhân, người dùng mới là người khó tính nhất đối với các sản phẩm công nghệ số. Cho nên, nếu chúng ta cung cấp được thì chúng ta sẽ có tiềm năng rất lớn. Về góc độ này thì đã có những chính sách, tôi nghĩ là khá hiệu quả, đó là thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng phường, từng tổ dân phố chính là đội ngũ sẽ cài đặt, giải thích, tuyên truyền, đem các nhu cầu cho sản phẩm công nghệ thông tin, sản phẩm công nghệ số đến với người dân”.
Để chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2023-2025 thực sự đem lại thay đổi trong từng ngành, từng lĩnh vực, cùng với việc triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng khác, việc phát huy hiệu quả và nhân rộng mô hình Tổ Công nghệ số cộng đồng cần được tiếp tục đầu tư và thúc đẩy một cách thỏa đáng trên phạm vi cả nước.