Tại Thành phố Hồ Chí Minh, quận 5 là một trong những nơi diễn ra hoạt động kinh doanh sầm uất khi có đến 12 chợ truyền thống và nhiều trung tâm thương mại. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid -19 khiến sức mua ở các chợ truyền thống ở đây sút giảm từ 40-60%. Trước khó khăn này, Quận 5 đã tổ chức phiên chợ online để đa dạng hóa kênh phân phối hàng hóa. Phiên chợ đầu tiên vào cuối tháng 9 đã giúp tiểu thương tiếp cận được nhiều khách hàng mới.
Trang website phiên chợ online Chợ Lớn, Quận 5 - Ảnh: VOV
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nếu trước đây, chị Thái Trang, tiểu thương bán quần áo ở Trung tâm Thương mại An Đông (chợ An Đông 1, quận 5), cứ phải chạy tới, chạy lui để chào mời khách, nhất là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, thì nay chủ yếu là ngồi ở sạp bán hàng, tay cầm chiếc martphone giao dịch với khách trên mạng. Chị Trang rất phấn khởi bởi từ khi tham gia phiên chợ online, chị đã có khách mua hàng với số lượng lớn thường xuyên. Hơn nữa, khách hàng không còn gói gọn ở Thành phố Hồ Chí Minh mà đến cả ở một số tỉnh, thành lân cận. Nhờ vậy mà doanh thu của cửa hàng đã tăng thêm 25%. Chị Trang cho biết: "Phiên chợ online mở ra cho chợ truyền thống tôi thấy rất hiệu quả, những người ở tỉnh cũng có thể ngồi ở nhà mua hàng sỉ, mua lẻ. Tôi đề nghị cần tổ chức thường xuyên phiên chợ online Quận 5 hoặc của trung tâm thương mại chung của thành phố".
Phiên chợ online do Trung tâm Hỗ trợ phát triển kinh tế và cung ứng lao động thuộc UBND Quận 5 tổ chức vào cuối tháng 9, quy tụ hơn 60 tiểu thương các chợ: An Đông 1, Đồng Khánh, Kim Biên và một số doanh nghiệp trên địa bàn tham gia. Qua 10 ngày diễn ra phiên chợ, 80% hàng hóa của tiểu thương, doanh nghiệp được bán hết, doanh thu hơn 1,8 tỷ đồng. Phiên chợ đầu tiên bước đầu đã quảng bá cho kênh bán hàng này và kết nối được nhiều khách hàng. Nhiều tiểu thương thấy được cơ hội này nên có hơn 400 tiểu thương, doanh nghiệp ở các chợ đăng ký tham gia phiên chợ lần 2 diễn ra vào tháng 1/2021, tăng hơn gấp 5 lần so với phiên chợ lần đầu.
Chị Thúy ở Chợ An Đông 1 đang sắp xếp lại hàng hóa để chụp ảnh sản phẩm chuẩn bị tham gia phiên chợ online sắp tới - Ảnh: VOV
|
Khác với việc mỗi cá nhân tự bán hàng trên mạng xã hội hay qua mạng xã hội, phiên chợ online có đơn vị tổ chức, hàng hóa được kiểm tra chặt chẽ, ban tổ chức chịu trách nhiệm xử lý mọi trục trặc khi mua hàng nên tạo được sự tin cậy cao với khách hàng. Chị Thúy bán hàng thủ công mỹ nghệ ở chợ An Đông 1 chia sẻ: Hiện nay khách đến chợ rất vắng, một số ít khách quen thì giao dịch qua zalo, không mở rộng được lượng khách mới. Chị hy vọng sẽ tìm thêm được nhiều khách mới qua kênh bán hàng này. "Ở các tỉnh miền Tây mình cũng có khách hàng, như ở An Giang, Kiên Giang mình cũng có vài mối, nhưng hạn chế lắm. Nếu tham gia chợ online thì nhiều khách hàng biết đến mình để mở rộng kênh bán hàng. Khách mua sỉ, lẻ cũng có thể mua hàng của mình qua chợ online, vì nếu khách hàng muốn mua 1-2 món nhỏ nhưng họ cũng ngại bắt xe đi" - chị Thúy cho biết.
Ông Trần Huy Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển kinh tế và cung ứng lao động Quận 5, cho biết: Trong thời gian diễn ra phiên chợ, Ban tổ chức hỗ trợ tiểu thương việc kiểm tra hàng, đóng gói và dịch vụ giao hàng, tiểu thương được miễn phí hoàn toàn khi tham gia phiên chợ này. Rút kinh nghiệm của phiên chợ trước, lần này ban tổ chức sẽ đa dạng hơn hàng hóa khi tổ chức phiên chợ online, đồng thời cam kết hàng hóa giao cho khách hàng đúng với hình ảnh, thông tin mô tả. Ông Trần Huy Cường cho biết thêm: "Nếu khách hàng có khiếu nại gì thì ban tổ chức trực 24/24 để xử lý, việc đổi trả hàng bị hư, hỏng, không đảm bảo chất lượng... Chúng tôi có hẳn quy định về vấn đề này, căn cứ vào đó lỗi bên ai thì người đó chịu trách nhiệm. Chúng tôi cũng có tổ trực 24/24 trả lời những yêu cầu của bên mua và bên bán".
Qua kết quả bước đầu của tiểu thương bán hàng trên chợ online ở Quận 5, nhiều chợ truyền thống khác ở thành phố cũng muốn mở rộng các kênh bán hàng online để tăng doanh thu, thêm khách hàng. Bà Trần Thị Mỹ Dung, Trưởng Ban quản lý chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh, cho rằng: "Tôi đề nghị xây dựng 1 trang website riêng đối với chợ truyền thống, không riêng với chợ Thị Nghè mà tất cả các chợ đều tham gia vào đó, trên đó có các gian hàng, giống như trang thương mại điện tử. Các tiểu thương có thể đăng các mặt hàng của mình lên và có thể có chương trình khuyến mãi hay có sản phẩm mới gì đó, khách hàng mua của online này có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và giao hàng đàng hoàng".
Tuy việc các tiểu thương tham gia bán hàng ở phiên chợ online tại Việt Nam còn khá mới mẻ nhưng với sự nỗ lực, cố gắng, tiểu thương đang dần thích nghi với hình thức bán hàng này. Đồng thời, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ tiểu thương bán hàng chuyên nghiệp hơn và tăng cường tuyên truyền quảng bá nhiều hơn để phát triển mô hình này.