Hiệu quả của mô hình nuôi tôm càng xanh

Phạm Hải
Chia sẻ
(VOV5) - Nuôi tôm càng xanh cho năng suất cao hơn nhiều so với nuôi tôm thông thường.

Mô hình nuôi tôm càng xanh trên địa bàn xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ giúp nhiều nông dân thoát nghèo bền vững. Đây được xem là mô hình phát triển kinh tế nông hộ mang lại giá trị cao, thu nhập cao hơn từ 3 đến 4 lần so với trồng lúa trước đây.

Hiệu quả của mô hình nuôi tôm càng xanh - ảnh 1Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực đạt giá trị gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa - Ảnh: VOV
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Mô hình nuôi tôm càng xanh được ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ triển khai trên địa bàn xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh từ năm 2016 đến nay diện tích hơn  20 ha. Nuôi tôm càng xanh cho năng suất cao hơn nhiều so với nuôi tôm thông thường. Ngoài sử dụng thức ăn công nghiệp thì người nuôi tôm có thể tận dụng cơm dừa khô để cho tôm ăn, giảm chi phí thức ăn nuôi tôm. Hơn nữa trong điều kiện biến đổi khí hậu, đất bị xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, tôm càng xanh thích ứng được.

Với hơn 1/ha nuôi tôm càng xanh sắp đến ngày thu hoạch, ông Nguyễn Lê Chủng, ở xã Thạnh Mỹ, chia sẻ: "Từ khi chuyển sang mô hình nuôi tôm càng xanh, bình quân mỗi năm gia đình thu nhập hơn 100 triệu đồng, gấp 3 lần trồng lúa. Cây lúa mấy năm nay không bằng nuôi tôm, mỗi một lần tôi thu tỉa một năm vậy chứ lời gấp mấy lần làm lúa. Một ha ruộng với một ha tôm này tới mấy lần ha ruộng. Hiện giờ giá tôm cao mình lãi nhiều. Chi phí thức ăn 120.000 đồng cho mỗi kg tôm".

Từ khi được ngành nông nghiệp Cần Thơ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm càng xanh năm 2016, đến nay, kinh tế gia đình ông Lê Văn Phiêm ở xã Thạnh Mỹ ổn định. Mỗi năm, gia đình ông thu nhập 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận từ 70 đến 100 triệu đồng/năm. Ông Lê Văn Phiêm chia sẻ: "Hiện nay tôi nuôi tôm đực thấy cũng đạt được hiệu quả, vừa qua làm lúa mấy năm vừa rồi giá cả bấp bênh, bây giờ nuôi tôm giá mọi năm thì thấy sống cũng được năm nay giá hơi mềm quá. Thành ra bà con nhu cầu nhà nước có chỗ nào đầu tư cho con tôm giá cho được cao hơn, để bà con phấn khởi".

Hiệu quả của mô hình nuôi tôm càng xanh - ảnh 2Thu nhập từ nuôi tôm càng xanh từ 70 đến 100 triệu đồng/ha/năm - Ảnh: VOV

Hiện xã Thạch Mỹ chủ yếu trồng lúa, nuôi cá tra, còn diện tích nuôi tôm càng xanh gần 21 ha. Thời gian tới, xã Thạnh Mỹ mở rộng diện tích nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa. Nuôi tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn làm thay đổi thói quen sản xuất truyền thống, tạo ra sản phẩm sạch. Đồng thời, việc luân canh và xen canh tạo sự hài hòa trong môi trường sống giữa con tôm và cây lúa, làm giảm bớt dịch bệnh, tận dụng không gian, tận dụng thức ăn dư thừa bổ sung cho nhau. Bên cạnh đó, xã liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định cho con tôm. Ông Nguyễn Quốc Huy, cán bộ khuyến nông xã Thạnh Mỹ, cho biết: "Lợi nhuận mà tính ha khoảng 70 đến 100 triệu/ha/năm, lợi nhuận thêm lúa nữa từ 18 đến 22 triệu. Tổng chi phí lợi nhuận một năm ha tôm với lúa tầm khoảng 130 triệu, 140 triệu, năm tới tăng diện tích nuôi tôm lên".

Ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ sẽ lấy mô hình nuôi tôm càng xanh ở xã Thạnh Mỹ làm điểm để nhân rộng cho các quận, huyện khác. Trong đó, địa phương sẽ chú trọng đến quy hoạch vùng nuôi, cơ sở sản xuất tôm giống đạt chất lượng để cung ứng cho các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ông Mai Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Cần Thơ, cho biết: "Đến nay cho thấy hiệu quả nuôi tôm mang lại rất cao so với ruộng lúa. Theo chủ trương của ngành nông nghiệp, chúng ta bắt đầu xoay trục thủy sản, cây ăn trái sau đó mới tới cây lúa. Chúng tôi vẫn giữ điểm nhấn tại xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh dần dần sẽ nhân rộng mô hình ra ở huyện Cờ Đỏ và quận Thốt Nốt".

Bước đầu mô hình nuôi tôm càng xanh ở xã Thạnh Mỹ đã mang lại hiệu quả kinh tế, lợi nhuận cao cho người dân. Mô hình khởi nghiệp nuôi tôm càng xanh mở ra sinh kế bền vững cho người dân, giúp ngành nông nghiệp Cần Thơ phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu