Doanh nghiệp Việt kiều bắc cầu hàng vào Châu Âu

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Nhiều doanh nghiệp kiều bào luôn đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ cùng các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng kinh doanh tại thị trường quốc tế.

Theo thống kê, hiện có khoảng 3500 doanh nghiệp kiều bào Việt Nam đang hoạt động tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là nguồn lực quan trọng giúp quảng bá và đưa hàng hóa Việt Nam đến nước sở tại. Hiện nay, Việt Nam tham gia vào Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), các doanh nghiệp Việt kiều đã và đang trở thành cầu nối đưa hàng hóa Việt Nam sang Châu Âu nói chung, các nước thành viên EU nói riêng.

Doanh nghiệp Việt kiều bắc cầu hàng vào Châu Âu - ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh minh họa: TTXVN

Liên minh Châu Âu (EU) là thị trường rộng lớn với khoảng 500 triệu dân với tổng sản phẩm nội địa hàng năm lên tới 18 nghìn tỷ USD. EU cũng là đối tác quan trọng thứ 2 của Việt Nam. EU là một thị trường tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 8/2020, doanh nghiệp Việt kiều tại Châu Âu luôn tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp trong nước, tìm kiếm thị trường, tận dụng các cơ hội mà EVFTA mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu vào EU, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kiều bào luôn đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ cùng các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng kinh doanh tại thị trường Châu Âu nói riêng và thị trường quốc tế nói chung. Các doanh nghiệp Việt kiều ở Châu Âu có lợi thế là doanh nghiệp cầu nối thân thiết, am hiểu thị trường, ngôn ngữ, luật pháp của nước sở tại.

Ông Nguyễn Ngọc Triệu, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga, cho rằng: “Hàng hóa Việt Nam ngày càng được khẳng định chất lượng trên thị trường bản địa, được người tiêu dùng EU biết đến và ưa chuộng. Đây chính là hiệu quả mà FTA mang lại cho chúng ta. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp Việt Nam cần tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng hàng hóa từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng, có sức cạnh tranh mạnh, thương hiệu hàng hóa Việt Nam sẽ được vươn xa khắp thế giới.”

Một lợi thế của Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực là Việt Nam hiện đang có đông đảo doanh nghiệp Việt kiều ở EU, nhất là các trung tâm thương mại của người Việt với hàng nghìn doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, bán buôn, dịch vụ. Các doanh nghiệp này là doanh nghiệp EU có kinh nghiệm kinh doanh, am hiểu thị trường, pháp luật, ngôn ngữ nước sở tại và cũng là cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam, EU.

Để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU, ông Hoàng Xuân Bình, chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan, nêu ý kiến: “Các doanh nghiệp trong nước cần hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn EU, xây dựng thương hiệu theo sản phẩm, chủ động xúc tiến vào thị trường EU khi các nước khác còn chưa ký FTA với EU. Ngoài ra, phải có kế hoạch hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp Việt kiều để tìm hiểu thị trường, marketing, quảng bá, phân phối sản phẩm tại EU, xây dựng mô hình logistic, hỗ trợ xuất nhập khẩu hiệu quả.”

Người Việt ở nước ngoài hiện có cơ sở vật chất rất tốt để phát triển kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong nước. Cùng với sự phát triển của các trung tâm thương mại lớn, nhiều người Việt hiện có thể thiết lập hệ thống tiêu thụ và phân phối sản phẩm hàng hóa Việt tại địa bàn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là sự kết nối giữa doanh nghiệp kiều bào và doanh nghiệp trong nước. Hiện tại, để thuận lợi hơn trong việc cập nhật thông tin, các cơ quan đại diện ngoại giao cũng tích cực hỗ trợ việc kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp của kiều bào hoặc đội ngũ chuyên gia người Việt làm việc tại EU.

Doanh nghiệp Việt kiều bắc cầu hàng vào Châu Âu - ảnh 2Ông Phùng Công Dũng, chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tại TPHCM. Ảnh: qdnd.vn

Ông Phùng Công Dũng, chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tại TPHCM, chia sẻ: “Chúng tôi sẽ là sợi dây kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp kiều bào. Chắc chắn bài toán về xuất khẩu sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận hơn ở thị trường EU và nhất là EVFTA chuyển động thì giúp kinh tế thành phố HCM sẽ ngày càng rõ nét.”

Nhờ kết nối chặt chẽ với bà con kiều bào, nhiều mặt hàng, sản phẩm của Việt Nam hiện diện tại thị trường Châu Âu ngày càng nhiều, được ưa chuộng đồng thời quảng bá văn hóa Việt Nam rất tốt. Với cơ hội của EVFTA, các doanh nghiệp Việt kiều châu Âu đang định hướng lại phương thức kinh doanh để phát triển và góp phần tăng trưởng xuất nhập khẩu Việt Nam - EU. Bên cạnh thúc đẩy xuất khẩu hàng EU về Việt Nam, các doanh nghiệp kiều bào đang nỗ lực liên kết, giúp sức quảng bá, làm cầu nối cho hàng Việt xuất khẩu sang EU.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
Lê Thị Quế

Công Ty TNHH Giấy Văn Phòng Gia Hưng và Công Ty TNHH Hưng Thịnh tại TP Nam Định Bên em chuyên sản xuất giấy vở học sinh ... Xem thêm